Trung Quốc ra điều kiện không tưởng cho Mỹ

Nếu Mỹ giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ 'vui vẻ' tham gia thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên.

Trung Quốc cự tuyệt đàm phán kiểm soát vũ khí

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán ba bên để thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (NEW START) giữa Mỹ và Nga, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.

Ngày 9/7, Mỹ đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí, nói rằng họ đã thấy một cơ hội với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán 3 bên cùng Moskva, bất chấp những bất đồng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: "Mỹ hoan nghênh cam kết tham dự của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Vì vậy, các bước đi khôn ngoan tiếp theo sẽ cần bao gồm các cuộc họp mặt đối mặt giữa Mỹ và Trung Quốc".

Mỹ tìm mọi cách kéo Trung Quốc vào câu chuyện đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược

Mỹ tìm mọi cách kéo Trung Quốc vào câu chuyện đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược

Trước đó một ngày, Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phó Thông tuyên bố rằng nếu Mỹ sẵn sàng giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ "vui vẻ" tham gia thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên với Mỹ và Nga.

Quan chức Trung Quốc nói: “Nếu Mỹ nói họ sẵn sàng giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân xuống bằng của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ sẵn lòng tham gia đàm phán ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta đều biết điều đó sẽ không xảy ra”.

Ông Phó Thông cho rằng các quan chức Mỹ thời gian gần đây đã làm to chuyện về việc buộc Trung Quốc tham gia đàm phán Mỹ-Nga về cắt giảm vũ khí hạt nhân. Quan chức Trung Quốc gọi động thái này là phi thực tế, do khoảng cách lớn về số lượng và độ tinh vi giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và Mỹ.

Ông Phó Thông nói: "Đối với họ, việc thổi phồng yếu tố Trung Quốc là nhằm ý đồ đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới và tạo ra một cái cớ để họ có thể rời khỏi New START, như họ đã làm như vậy với rất nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí khác. Mục đích thực sự là nhằm loại bỏ mọi hạn chế có thể và rảnh tay trong việc tìm kiếm ưu thế quân sự vượt trội trước bất kỳ đối thủ nào trên thực tế hay tưởng tượng”.

Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông

Theo ông, có lý do để lo ngại khoảng cách này khi Mỹ không chỉ mở rộng, cải thiện và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, mà còn xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa và triển khai chúng ở khu vực gần Trung Quốc. Mỹ đang phát triển các loại vũ khí trong không gian, đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và tuyên bố rõ là họ đang có kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung trên đất liền ở vùng phụ cận và ngay tại cửa ngõ của Trung Quốc.

Với những dẫn chứng, ông Phó Thông nhấn mạnh tất cả điều này tạo ra những mối đe dọa chiến lược đối với an ninh của Trung Quốc và người ta không nên ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc cần phải cải thiện năng lực quân sự của mình.

Theo ông, chính sách duy trì khả năng răn đe tối thiểu và chính sách không sử dụng hạt nhân trước của Trung Quốc sẽ không thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sẽ không hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia.

Âm thầm tăng cường sức mạnh

Theo các viện nghiên cứu quốc tế, chẳng hạn như Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ và Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn với gần 5.800 đầu đạn hạt nhân, gấp khoảng 20 lần số lượng của Trung Quốc (320 đầu đạn).

Mỹ cũng đang lên kế hoạch tăng khoảng cách lớn này bằng cách đầu tư khoảng 494 tỷ USD trong 10 năm tới và 1,2 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, cả đầu đạn hạt nhân và hệ thống tấn công hạt nhân.

Trung Quốc được cho là đang sở hữu 320 đầu đạn hạt nhân

Về phần mình, Vụ trưởng Vụ Không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov ngày 8/7 tuyên bố Moscow hiểu lập trường của Bắc Kinh về việc không tham gia các cuộc đàm phán Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí.

Ông Yermakov được dẫn lời nói: “Mỗi quốc gia có cách tiếp cận riêng về kiểm soát vũ khí. Đương nhiên, Trung Quốc có quyền đưa ra quan điểm mà họ cho là cần thiết. Việc một nước ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia là điều bình thường".

Trong khi bình luận về thông tin của SIPRI cho thấy kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã tăng hơn 10% so với năm 2019 và đạt con số 320 đầu đạn, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đánh giá dữ liệu này tiết lộ tầm quan trọng trong việc thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Còn theo Sputnik, tình báo các nước lớn đưa ra ước tính riêng của họ về lực lượng hạt nhân Trung Quốc, nhưng không được công bố. Trong các thông tin công khai, bao gồm ấn phẩm khoa học, các đánh giá của chuyên gia, các ước tính của SIPRI có ý nghĩa đặc biệt. Nếu đánh giá của SIPRI được công bố mới đây là chính xác, thì năm 2020 sẽ là năm đầu tiên Trung Quốc vượt Pháp (300 đầu đạn) về số lượng đầu đạn hạt nhân và trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba trên thế giới.

Mỹ lấy Trung Quốc làm cái cớ để chấm dứt NEW START nhằm rảnh tay trong cuộc đua hạt nhân với Nga?

Vào đợt kỷ niệm 71 năm thành lập Hải quân Trung Quốc hồi tháng 4/2020, các tàu ngầm tên lửa hạt nhân thứ 5 và thứ 6 của dự án 094A cải tiến được bàn giao. Điều này có nghĩa là việc chế tạo được hoàn thành sớm hơn, vào năm 2019 hoặc thậm chí 2018 và trước đó chúng đã trải qua thử nghiệm trong nhiều tháng. Chỉ riêng hai chiếc tàu này đã tăng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lên 24 đầu đạn, theo số lượng tên lửa Juilan-2 được trang bị.

Sputnik nhấn mạnh, việc phát triển thành phần hải quân chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng khả năng răn đe hạt nhân chiến lược. Bắc Kinh tiếp tục chế tạo tên lửa liên lục địa DF-41 (lần đầu tiên được giới thiệu trong cuộc diễu hành ngày 1/10/2019, một tiểu đoàn với số lượng 16 bệ phóng) và DF-31AG cũng như tên lửa tầm trung cùng nhiều chương trình khác.

Do đó, giới phân tích Nga cho rằng tốc độ gia tăng thực sự của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể cao hơn, không phải 30 mà là 50-60 đầu đạn mỗi năm. Những ước tính của SIPRI cũng chỉ ra mức tăng gấp rưỡi của lực lượng hạt nhân Trung Quốc kể từ năm 2004. Tại thời điểm năm 2004, chỉ có 20 tên lửa đẩy nhiên liệu lỏng DF-5A loại cũ với đầu đạn đơn có thể bay tới lục địa Mỹ từ toàn bộ kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc có thể đã sở hữu nhiều đầu đạn có tầm với tới lục địa Mỹ và phần lớn được đặt trên các hệ thống phóng di động.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-ra-dieu-kien-khong-tuong-cho-my-3412260/