Trung Quốc 'quay sang' Nhật Bản khi thương chiến với Mỹ leo thang

Trung Quốc đã chủ động gợi ý Nhật Bản cùng xây dựng mối quan hệ an ninh, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách vượt qua khó khăn vì chiến tranh thương mại kéo dài với Washington.

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trung Quốc và Nhật Bản dường như đang nỗ lực đưa quan hệ song phương “lên tầm cao mới” khi ngày 27/6 khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ trước thềm hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka. Đặc biệt, Chủ tịch Tập Cận Bình xác nhận sẽ đến thăm cấp nhà nước Nhật Bản trong mùa Xuân 2020.

Sau cuộc đàm thoại với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết mối quan hệ song phương đã được cải thiện theo cách hiếm thấy trong nhiều năm, đồng thời miêu tả chuyến thăm cấp nhà nước là “ý tưởng tốt”.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Tôi cho rằng mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc đang ở điểm khởi đầu lịch sử mới. Tôi muốn tăng cường quan hệ chiến lược cấp cao với Thủ tướng Abe và cùng hợp tác xây dựng quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới”.

Thủ tướng Nhật Bản Abe trong khi đó đề cập rằng chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tâp Cận Bình diễn ra vào thời gian hoa đào nở và: “Tôi muốn chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình với tư cách vị khách cấp nhà nước đến Nhật Bản. Hy vọng có thể nâng quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc lên tầm cao mới”.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ phát triển theo 3 hướng chính: thay đổi từ cạnh tranh sang hợp tác, phát triển tự do và công bằng thương mại, đảm bảo không có đe dọa giữa các quốc gia hàng xóm.

Trước đó, Giáo sư Tomoki Kamo tại Đại học Keio ở Tokyo cho biết Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng xây dựng mối quan hệ an ninh mới với Nhật Bản khi Thủ tướng Abe đến thăm trong tháng 10/2018.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe năm 2018 được coi là nỗ lực để cải thiện mối quan hệ sau tranh chấp lãnh thổ từ năm 2011 ở Biển Hoa Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018 của Thủ tướng Abe, đã có nhiều thỏa thuận được ký kế và trị giá 18 tỷ USD.

Ông Kamo nói: “Trung Quốc đã dùng cụm từ ‘mối quan hệ an ninh mới’ trước khi Thủ tướng Abe đến thăm Trung Quốc năm 2018. Rõ ràng mối quan hệ tồi tệ giữa Trung Quốc và Mỹ là chất xúc tác quan trọng”.

Nhiều nhà quan sát đánh giá điều này đồng nghĩa Trung Quốc đã có phát kiến mới để xử lý tranh chấp và ngăn chặn khủng hoảng.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ chi tiết gì rằng mối quan hệ này sẽ dẫn đến đâu khiến Nhật Bản cảm giác chưa chắc chắn về điều được gợi ý.

Năm 2018, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua cho biết Bắc Kinh và Tokyo cần trao đổi quốc phòng và cùng hợp tác đẩy mạnh tin tưởng song phương để tránh hiểu nhầm chiến lược của quốc gia còn lại.

Do tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Bắc Kinh khá lưỡng lự trong bàn luận về mối quan hệ an ninh với Tokyo bởi nghi ngại điều này có thể coi là dấu hiệu của điểm yếu.

Nhưng mối quan hệ đang đi xuống giữa Mỹ và Trung Quốc do chiến tranh thương mại khiến Bắc Kinh cảm thấy cần phải “kết thêm bạn” ở trên thế giới.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá Trung Quốc và Nhật Bản đã xích lại gần nhau kể từ khi Tổng thống Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng và tạo ra điều chưa chắc chắn khiến cả Bắc Kinh cùng Tokyo lo lắng về mối quan hệ trong tương lai với Washington.

Nhật Bản còn lo lắng quốc gia này có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong biện pháp bảo hộ của Tổng thống Trump khi ông cảnh cáo có thể nâng thuế với ô tô Nhật Bản.

Nhiều nhà quan sát vẫn nghi ngờ về mức độ thân thiết mà Trung Quốc và Nhật Bản có thể gặt hái được khi hợp tác về an ninh.

Chuyên gia tại Đại học Doshisha (Nhật Bản), ông Masatoshi Murakami bày tỏ quan điểm cá nhân nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh và Tokyo tạo được mối quan hệ xây dựng hơn và cho rằng diễn biến này mang tính “chiến thuật hơn là chiến lược”.

Ông Murakami cũng nhận định Nhật Bản vẫn lo ngại về các tham vọng khác của Trung Quốc, một ví dụ là những hành động trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Ngoài ra, ông Murakami cũng đề cập đến hành vi của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với thói quen thay đổi đột ngột. Ông Murakami nói: “Trung Quốc có thể đột ngột hủy ký kết thỏa thuận ngay trong buổi sáng của sự kiến, khiến các nhà ngoại giao Nhật Bản bỡ ngỡ”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-quay-sang-nhat-ban-khi-thuong-chien-voi-my-leo-thang-20190627232025344.htm