Trung Quốc phủ nhận thông tin thay trưởng đặc khu Hong Kong

Sau khi thông tin Trung Quốc lên kế hoạch thay thế Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lan truyền rộng rãi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phủ nhận thông tin này.

Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 23/10 khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ bà Lâm cũng như những nỗ lực của chính quyền Hong Kong nhằm ngăn chặn bạo lực và khôi phục trật tự tại đặc khu sớm nhất có thể.

Bà Hoa Xuân Doanh khẳng định thông tin thay thế bà Lâm là "tin đồn chính trị mang dụng ý xấu”.

Trước đó, hãng tin Financial Times (FT) dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch thay thế Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga bằng một nhà lãnh đạo “lâm thời”.

Nguồn tin tiết lộ, nếu kế hoạch này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn, Trung Quốc dự định sẽ để bà Lâm từ chức từ tháng 3/2020 và thay thế bà bằng một lãnh đạo lâm thời, người này sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hong Kong cho tới hết nhiệm kỳ của bà Lâm vào năm 2022 và có thể được thay thế bằng một cái tên khác khi nhiệm kỳ kết thúc.

Những ứng viên hàng đầu có khả năng trở thành người kế nhiệm bà Lâm gồm cựu giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Hong Kong Trần Nặc Mạn (Norman Chan), cựu Cục trưởng Cục Tài chính đồng thời là cựu Tổng thư ký chính quyền Hong Kong Đường Anh Niên (Henry Tang).

Tuy nhiên, nguồn tin của FT cũng cho biết thêm rằng giới chức Trung Quốc muốn tình hình ổn định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng liên quan tới việc thay đổi vị trí lãnh đạo tại Hong Kong, vì họ không muốn bị xem là nhượng bộ bạo lực.

Ở động thái liên quan mới nhất, Chính quyền Hong Kong ngày 23/10 đã đưa ra thông báo chính thức về việc rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong nhiều tháng qua.

Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong thời gian qua.

Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc đại lục, người Đài Loan, Macau cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục.

Hàng trăm nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật này. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.

Biểu tình ban đầu ôn hòa nhưng sau đó ngày càng bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát.

Hơn 3 tháng trôi qua, các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt giữa lúc Trung Quốc và một số nước phương Tây tiếp tục đấu khẩu về tình hình Hong Kong.

Việc chính thức rút dự luật dẫn độ đồng nghĩa với việc chính quyền Hong Kong đã chấp thuận 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình.

Ngoài yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi chính quyền Hong Kong phải thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là các cuộc nổi loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.

Xem thêm >> Sau 'thỏa thuận lịch sử' với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ dỡ lệnh trừng phạt

Thanh Tú

Theo SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-phu-nhan-thong-tin-thay-truong-dac-khu-hong-kong-20180504224230538.htm