Trung Quốc phong tỏa biển, công khai tập trận gần quần đảo Trường Sa

Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang tiến hành tập trận gần quần đảo Trường Sa, trong khi Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã cho phóng thử loạt tên lửa chống hạm trên Biển Đông.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, cuộc tập trận kéo dài 5 ngày của quân đội Trung Quốc từ ngày 29/6 - 3/7 diễn ra gần khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trung Quốc phong tỏa biển, công khai tập trận gần quần đảo Trường Sa. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc phong tỏa biển, công khai tập trận gần quần đảo Trường Sa. (Ảnh minh họa)

Theo đó, cuộc tập trận bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 29/6 và sẽ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 3/7, tại khu vực được bao quanh bởi 4 địa điểm có tọa độ 13 độ 48 phút vĩ Bắc/114 độ 10 phút kinh Đông, 12 độ 48 phút vĩ Bắc/114 độ 10 phút kinh Đông, 12 độ 48 phút vĩ Bắc/116 độ 02 phút kinh Đông và 13 độ 48 phút vĩ Bắc/116 độ 02 phút kinh Đông.

Khu vực tập trận ước tính nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía bắc và trong vùng biển quốc tế. Ngoài ra, hoạt động đi lại của các tàu thuyền trong khu vực quân đội Trung Quốc tập trận đều bị phong tỏa.

Trong khi đó, hôm nay (2/7), NBC News đưa tin quân đội Trung Quốc đã tiến hành phóng thử các tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông từ cuối tuần qua.

NBC News cho biết, Trung Quốc đã cho phóng ít nhất một tên lửa về phía Biển Đông. Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ được diễn ra tới ngày 3/7. Tuy nhiên, vị quan chức Mỹ không thể xác định chi tiết vụ phóng cũng như loại tên lửa mà Trung Quốc đã phóng.

Đặc biệt các tàu chiến Mỹ có mặt trên Biển Đông không hoạt động gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm hồi cuối tuần qua, nên không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc đã “gây ra mối quan ngại”.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.

Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng Sáu, một bức ảnh vệ tinh được CNN công bố đã tố cáo Trung Quốc trái phép điều động 4 tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. Bức ảnh được ImageSat International chụp vào ngày 19/6. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc cho triển khai chiến đấu cơ J-10 ra đảo Phú Lâm cũng như bất cứ hòn đảo nhân tạo nào khác mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Giới phân tích nhận định dựa theo hình ảnh vệ tinh, số lượng và thiết bị đi kèm với J-10 trong đợt triển khai lần này tới đảo Phú Lâm, hòn đảo của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là khá lớn. Khả năng 4 tiêm kích J-10 sẽ có mặt tại đảo Phú Lâm trên 10 ngày. ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, hoạt động triển khai 4 tiêm kích J-10 của Trung Quốc ra đảo Phú Lâm là nhằm “chứng minh đây là lãnh thổ của họ và họ có thể đưa máy bay quân sự tới khu vực này bất cứ lúc nào họ muốn”.

“Hành động này còn ám chỉ Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh không quân ra toàn Biển Đông theo tình hình và như họ mong muốn”, ông Schuster nói thêm.

Cũng theo ông Schuster, tiêm kích J-10 có phạm vi chiến đấu là 750 km. Do đó, phần lớn diện tích Biển Đông và tuyến đường vận tải biển quan trọng nằm trong phạm vi kiểm soát của J-10.

Hồi tháng 3, Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc còn công bố kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hành động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về vụ việc trên.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/trung-quoc-phong-toa-bien-cong-khai-tap-tran-gan-quan-dao-truong-sa-post304566.info