Trung Quốc phóng tên lửa vũ trụ đầu tiên sử dụng nhiên liệu hybrid

Theo thông báo của SpaceNews, ngày 29/3, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa vũ trụ đầu tiên hoạt động bằng nhiên liệu hybrid.

Trung Quốc phóng thành công tên lửa đầu tiên sử dụng nhiên liệu hybrid. (Nguồn: spacenews.com)

Trung Quốc phóng thành công tên lửa đầu tiên sử dụng nhiên liệu hybrid. (Nguồn: spacenews.com)

Cuộc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 6A (Long March 6A) với cặp vệ tinh Pujiang-2 và Tiankun-2 được thực hiện tại sân bay vũ trụ Thái Nguyên ở miền Bắc Trung Quốc lúc 16h50 ngày 29/3 (theo giờ Hà Nội) và đây là chiếc thứ 412 liên tiếp của dòng tên lửa vũ trụ này.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 6A hoạt động bằng nhiên liệu oxy-dầu hỏa nên được gọi là tên lửa sử dụng nhiên liệu hybrid. Tên lửa bay trong quỹ đạo đồng bộ mặt trời, và có khả năng mang tải trọng hàng hóa đến 4 tấn.

Trường Chinh 6A do Học viện Công nghệ Hàng không vũ trụ Thượng Hải (SAST) phát triển. SAST là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC).

Việc kết hợp hai loại nhiên liệu lỏng và rắn làm cho tên lửa mạnh và nhanh hơn, đồng thời ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, nhờ đó đáp ứng nhu cầu phóng nhiều loại vệ tinh.

Sự ra mắt của tên lửa Trường Chinh 6A đánh dấu một mốc quan trọng trong chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc, thúc đẩy khả năng phóng, phát triển công nghệ và tiềm năng khám phá vũ trụ thương mại.

Tháng 7/2021, SpaceNews dẫn nguồn từ tuyên bố của tổng công trình sư Lun Lehao thiết kế chính tên lửa đẩy Trường Chinh cho biết, Trung Quốc cân nhắc sử dụng tên lửa siêu nặng Trường Chinh 9 đang được chế tạo để xây dựng hệ thống khổng lồ các nhà máy điện mặt trời trên quỹ đạo địa tĩnh.

(theo Space News)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-phong-ten-lua-vu-tru-dau-tien-su-dung-nhien-lieu-hybrid-178630.html