Trung Quốc phóng 'Mặt trăng nhân tạo' sáng gấp 8 lần 'chị Hằng'

Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng vệ tinh chiếu sáng, được biết đến là 'Mặt trăng nhân tạo' có cường độ chiếu sáng mạnh hơn Mặt Trăng thật 8 lần.

"Mặt Trăng nhân tạo" sẽ đủ sáng để thay thế hệ thống đèn đường. Ảnh minh họa: People's Daily Online

Giới chức Thành Đô vừa tiết lộ kế hoạch dự kiến phóng một vệ tinh chiếu sáng, hay còn gọi là "Mặt trăng nhân tạo", lên vũ trụ vào năm 2020. Báo chí địa phương đưa tin vệ tinh chiếu sáng này sẽ được thiết kế để hỗ trợ Mặt trăng vào buổi tối, với độ sáng gấp 8 lần hành tinh này và đủ sáng để thay thế đèn đường trong thành phố.

Vệ tinh nhân tạo "sáng như ánh hoàng hôn" dự kiến có cường độ chiếu sáng bao phủ khu vực đường kính rộng từ 10-80 km, phạm vi chiếu sáng chính xác được điều khiển trong vòng vài chục mét.

Mặt trăng nhân tạo sẽ tập trung chiếu sáng cho thành phố Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc.

Dự án này là ý tưởng của một nghệ sĩ Pháp, người đã tưởng tượng đặt một hàng gương trên trái đất để phản chiếu ánh sáng mặt trời quanh năm trên đường phố Paris.

Giới chức Thành Đô hy vọng thành phố này sẽ thu hút thêm du khách khi Mặt trăng nhân tạo tỏa sáng. Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại rằng ánh sáng phản xạ từ vũ trụ có thể có tác động bất lợi đến đồng hồ sinh học của cư dân thành phố.

Tuy nhiên ông Kang Weimin, giám đốc Viện quang học thuộc Viện công nghệ Cáp Nhĩ Tân, giải thích ánh sáng của vệ tinh tương tự lúc chạng vạng nên không ảnh hưởng tới sinh hoạt của động vật.

Vào năm 2013, ba chiếc gương lớn được điều khiển bằng máy tính đã được lắp đặt phía trên thị trấn Rjukan, Na Uy, nhằm theo dõi sự di chuyển của Mặt trời và phản chiếu ánh sáng xuống thị trấn. "Rjukan, hoặc ít nhất là một phần quan trọng của Rjukan, sẽ không còn chìm trong bóng tối, nơi Mặt trời không thể chiếu sáng nữa", Guardian từng đưa tin

Vào những năm 1990, một nhóm các kỹ sư và nhà thiên văn học người Nga đã thực hiện thành công dự án Znamya: phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian để phản chiếu ánh sáng Mặt trời xuống Trái đất. Trong thời gian ngắn, vệ tinh này đã chiếu sáng một phần bán cầu về đêm.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/trung-quoc-phong-mat-trang-nhan-tao-sang-gap-8-lan-chi-hang-a248118.html