Trung Quốc phát triển lực lượng viễn chinh thách thức Mỹ

Trung Quốc đang tăng cường chế tạo các tàu đổ bộ cỡ lớn để phát triển lực lượng viễn chinh, từng bước hình thành khả năng răn đe đối với Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Theo Reuters, Trung Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa quân sự từ giữa những năm 1990, mục tiêu chính là ngăn chặn Mỹ tiến hành một cuộc phong tỏa hải quân nhằm vào Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Hiện nay, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã trở thành thách thức đối với Mỹ ở vùng biển gần, và đang từng bước phát triển khả năng răn đe ở vùng biển xa.

Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu tấn công đổ bộ lớp 075, đây sẽ là những tàu mũi nhọn của lực lượng viễn chinh, tương tự như Thủy quân lục chiến Mỹ. Lực lượng viễn chinh mới của Trung Quốc có thể hoạt động độc lập và có thể được triển khai với vũ khí hỗ trợ của riêng mình ở nước ngoài để thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

 Tàu đổ bộ lớp 075 của Trung Quốc. Nguồn: Sina.

Tàu đổ bộ lớp 075 của Trung Quốc. Nguồn: Sina.

Theo giải đoán ảnh vệ tinh của các nhà phân tích quân sự phương Tây, tàu lớp 075 có lượng giãn nước lên đến 40.000 tấn, tương đương với một tàu sân bay loại nhỏ và có thể mang theo 900 binh lính cùng các trang thiết bị hạng nặng và phương tiện đổ bộ. Lớp tàu này có thể mang theo 30 máy bay trực thăng. Trong tương lai, nếu Trung Quốc có thể phát triển một mô hình tương tự máy bay F-35B, nó cũng có thể được biên chế trên lớp tàu này.

Hai tàu lớp 075 đã được hạ thủy lần lượt vào tháng 9/2019 và tháng 4/2020, con tàu thứ ba đang được chế tạo. Báo cáo của Quốc hội Mỹ tin rằng Hải quân PLA cuối cùng sẽ có hơn bảy tàu lớp 075, tăng thêm bốn chiếc so với thông báo của Bắc Kinh. Trung Quốc dự kiến trang bị các loại trực thăng chiến đấu Z-8 và Z-9, xa hơn là loại trực thăng Z-20 cho tàu lớp 075. Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền.

Về tổng thể sức mạnh chiến đấu đổ bộ của Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ, nhưng sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng tên lửa mạnh mẽ, một lực lượng tàu hải quân mặt nước hùng mạnh và có đủ tàu ngầm để ngăn chặn bất kỳ kẻ thù nào xâm nhập vùng biển ven bờ.

Đặc biệt, sau năm 2012, quá trình hiện đại hóa quân sự của PLA đã tăng tốc đáng kể. Các tàu đổ bộ mới liên tục “ra đời”, lực lượng thủy quân lục chiến được tăng cường các bài huấn luyện đặc biệt, đủ để tạo ra ảnh hưởng chính trị ở xa bờ biển Trung Quốc.

Tàu lớp 075 cho phép Hải quân Trung Quốc hình thành khả năng răn đe trên phạm vi toàn cầu. Nguồn: Sina.

Với việc liên tục chế tạo các tàu chiến đổ bộ mới, Trung Quốc cũng tăng cường phát triển lực lượng thủy quân lục chiến. Các cơ quan thống kê của Mỹ và Nhật Bản ước tính rằng, PLA hiện có 25.000 - 35.000 lính thủy đánh bộ, tăng hàng chục nghìn lính so với con số 10.000 trong năm 2017.

Một Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu chỉ ra rằng, nếu không có lực lượng đổ bộ, khu vực chiến đấu và phương thức chiến đấu của bất kỳ quân đội nào cũng sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Các máy bay chiến đấu có thể ném bom và tàu chiến có thể phóng tên lửa, nhưng cuối cùng vẫn phải cần bộ binh đổ bộ bờ biển để chiếm đóng trận địa của đối phương. Do vậy, việc Trung Quốc tăng cường phát triển lực lượng lính thủy đánh bộ và chế tạo tàu đổ bộ là một định hướng mang tính mục đích rõ ràng.

Được biết, tàu lớp 075 của Trung Quốc được cho là có sức mạnh tương đương với tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Hải quân Mỹ với khả năng mang theo tối đa 28 trực thăng cùng với việc cất - hạ cánh cùng lúc 6 chiếc. Tàu được trang bị động cơ diesel 9.000 kW, 4 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần, cùng các tên lửa hạm-đối-không HQ-10. Tàu sở hữu hệ thống radar của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, trong đó nổi bật là phiên bản radar trinh sát đường không 3 tham số (3D) Fregat-MAE-5 do Trung Quốc tự chế tạo trong nước.

Vai trò ban đầu của tàu đổ bộ tấn công Type 075 ngoài việc triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ thì nó còn được sử dụng làm nền tảng xuất phát cho trực thăng săn ngầm, bảo vệ toàn hạm đội khi thực hiện hải trình. Tuy nhiên, đến nay, giới chuyên gia cho rằng, một số các tàu đổ bộ này, khi hoạt động song song, có thể dễ dàng cho phép Trung Quốc tấn công đổ bộ nhằm thôn tính những khu vực lớn trên các hòn đảo tranh chấp. Thậm chí, chúng còn mang tới những không gian tác chiến mới cho các cuộc tấn công đổ bộ tiềm năng quy mô lớn nhằm vào các khu vực mục tiêu tầm cỡ trên toàn cầu.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/trung-quoc-phat-trien-luc-luong-vien-chinh-thach-thuc-my-tren-toan-cau-259248.html