Trung Quốc 'phát minh' ra cách điều hành nền kinh tế mới

Từ lâu, Mỹ và các nước phát triển khác chỉ áp dụng một trong 3 triết lý cơ bản về ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - dường như đã tìm ra cách thứ 4.

Trung Quốc tránh được suy thoái trong một phần tư thế kỷ - một điều ít quốc gia làm được. Mặc dù vậy, phương pháp của Bắc Kinh chưa hề được nhắc đến trong sách vở.

3 triết lý

Thứ nhất là chủ nghĩa Keynes, tập trung vào kích thích tài chính, chủ yếu ở dạng tăng chi tiêu chính phủ. Thứ 2 là chủ nghĩa tiền tệ - ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ để kéo kinh tế khỏi suy thoái.

Trường phái thứ 3 cho rằng suy thoái là một hiện tượng lành mạnh và bình thường và các nước không nên chống lại. Ý tưởng được nhiều người ủng hộ trong thời kỳ Đại suy thoái và từng hồi sinh trong những năm 1980. Thậm chí, một học giả theo trường phái này còn giành giải Nobel.

3 cách tiếp cận này tồn tại lâu đến mức giới chuyên gia có thể kết luận rằng không còn phương pháp nào khác. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc có thể là ví dụ cho một triết lý khác.

Không suy thoái trong 25 năm

Trong 25 năm gần đây nhất, tăng trưởng ở Trung Quốc ổn định đáng ngạc nhiên. Mặc dù có những thăng trầm, nước này chưa bao giờ ghi nhận một cuộc suy thoái. Trong thời gian đó, tăng trưởng GDP thực cũng chưa bao giờ xuống thấp hơn 6%.

Tăng trưởng GDP thực hàng quý. (Nguồn: Bloomberg)

Tất nhiên, đây là những con số do chính phủ Trung Quốc đưa ra, và nhiều người cho rằng Trung Quốc thường có xu hướng "làm đẹp" dữ liệu thống kê để ngăn nhà đầu tư rút vốn. Ngay cả Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng từng nói số liệu thống kê kinh tế trong nước "do con người tạo ra và do đó không đáng tin cậy".

Vì lý do này, một số nhà quan sát độc lập sử dụng biện pháp riêng để tính toán tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết đều kết luận rằng không thấy tăng trưởng âm trong những năm gần đây, mặc dù có sự suy giảm nhẹ trong năm 2015.

Đây là một thành tích ấn tượng. Gần như quốc gia phát triển nhanh nào cũng vấp ngã tại một số thời điểm. Kinh tế Mỹ từng chịu nhiều cơn hoảng loạn và đình trệ trong thời kỳ tăng trưởng những năm 1800. Tăng trưởng của Nhật Bản trong giai đoạn hậu thế chiến khá nhanh và ổn định, nhưng cũng bị 2 lần suy thoái trong những năm 1960 và 1970.

Trong khi đó, Trung Quốc vượt qua cả cuộc Đại suy thoái toàn cầu cũng như bong bóng và và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán trong nước mà chưa một lần để tăng trưởng dưới 0.

Cường quốc châu Á đạt được kỳ tích này bằng cách nào? Chính sách tiền tệ chắc chắn được sử dụng như một công cụ ổn định nhưng động thái lãi suất của Bắc Kinh không quá ấn tượng:

Lãi suất cho vay một năm chuẩn. (Nguồn: Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc)

Trung Quốc từng sử dụng chính sách tài khóa trong cuộc Đại suy thoái và chịu thâm hụt khoảng 7% GDP trong năm 2009:

Thâm hụt hàng năm của Trung Quốc theo phần trăm GDP. (Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chi nhánh St. Louis)

Tuy nhiên, gói kích thích kết thúc nhanh chóng khi Trung Quốc có thặng dư nhỏ trong năm sau đó. Chính sách tài chính có thể có hiệu quả nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện.

Ngoài việc tăng chi tiêu, chính phủ nước này còn chỉ đạo các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đại diện cho 40% gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính. Phần lớn khoản vay được thực hiện bởi 4 ngân hàng lớn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản và đủ loại dự án doanh nghiệp. Nhiều dự án là do các doanh nghiệp nhà nước phụ trách và thường lãng phí đồng thời có thể làm giảm năng suất. Mặc dù vậy, nhiệm vụ cứu nền kinh tế vẫn quan trọng hơn, đặc biệt là khi suy thoái sâu có thể đe dọa ổn định chính trị trong nước.

Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, Trung Quốc vẫn thường xuyên dùng chính sách tín dụng để ổn định nền kinh tế - khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn khi có nguy cơ suy thoái và giảm tín dụng khi bong bóng bất động sản có thể mất kiểm soát.

Trong năm 2011, tín dụng được thắt chặt để hạn chế bong bóng nhà đất, cũng như trong năm 2013 và 2017. Trong năm 2014, tín dụng lại được nới lỏng để kích thích nền kinh tế. Trong năm 2016, Bắc Kinh cắt giảm yêu cầu dự trữ của ngân hàng để kích thích mở rộng tín dụng. Gần đây nhất, đối mặt với mối đe dọa chiến tranh thương mại với Mỹ, nước này giảm yêu cầu dự trữ một lần nữa và khuyến khích cho vay với một loạt chính sách.

Khó có thể đưa ra một bức tranh rõ ràng về chính sách tín dụng chung của cường quốc châu Á vì có quá nhiều đòn bẩy chính sách và các cuộc họp không được công khai. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của nước này trong ổn định kinh tế vĩ mô dường như tập trung vào giá tài sản, bất động sản cũng như kiểm soát tài chính và hoạt động của các ngân hàng.

Nhiều nhà kinh tế học sẽ thấy cách thức này có sự can thiệp quá sâu của chính phủ - không phải điều mà một nước phát triển muốn dựa vào. Tuy nhiên, đây lại là phương pháp giúp Trung Quốc vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong khi luôn ngăn được sự sụp đổ tài chính thảm khốc mà giới quan sát bên ngoài hay cảnh báo.

Bài học cho các nền kinh tế phát triển

Các quốc gia như Nhật Bản và thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng rất nhiều tài chính ngân hàng trong khi Mỹ có xu hướng sử dụng thị trường trái phiếu. Mặc dù vậy, ngân hàng - đặc biệt là những ngân hàng lớn - cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực bất động sản - một yếu tố chủ chốt trong chu kỳ kinh doanh.

Các nước phát triển có thể tạo thêm công cụ chính sách để thúc đẩy ngân hàng cho vay trong suy thoái và cắt giảm khi bong bóng bị đe dọa không? Hay Trung Quốc là một mô hình không thể sao chép? Liệu thói quen can thiệp của chính phủ nước này có khiến các thị trường tín dụng yếu dần và cuối cùng làm sập hệ thống? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có giải đáp. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế học vĩ mô nên xem chính sách tín dụng là một bổ sung quan trọng cho công cụ tài chính và tiền tệ truyền thống của cuộc chiến suy thoái.

Trang Hồ/ Theo Bloomberg, Financial Times,

Nguồn NDH: http://ndh.vn/trung-quoc-phat-minh-ra-cach-dieu-hanh-nen-kinh-te-moi-201807260246557p145c151.news