Trung Quốc phản đối sắc lệnh hành pháp của Mỹ liên quan TikTok

Ngày 17/8, Trung Quốc đã phản đối sắc lệnh hành pháp mới đây của Mỹ, theo đó yêu cầu công ty Bytedance của Trung Quốc phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.

Biểu tượng TikTok trên một màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng TikTok trên một màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết TikTok đã thực hiện mọi yêu cầu từ phía Mỹ như đặt máy chủ tại Mỹ và các trung tâm dữ liệu tại Mỹ và Singapore. Công ty cũng đã thuê 1.500 nhân viên người Mỹ, trong đó có cả nhân viên quản lý cấp cao, và cam kết mang lại 10.000 việc làm. Chính sách kiểm toán và mã nguồn thuật toán của công ty cũng được công khai... song một số chính khách Mỹ vẫn gây khó khăn cho TikTok với lý do "an ninh quốc gia".

Đề cập tới việc Mỹ một mực cho rằng TikTok và các công ty khác gây nguy hại cho an ninh quốc gia, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh thậm chí các báo cáo đánh giá liên quan của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng không cho thấy chứng cứ về việc Trung Quốc can thiệp vào dữ liệu của TikTok hoặc sử dụng ứng dụng này để xâm nhập vào điện thoại di động của người sử dụng.

Quan chức này cho rằng những bước đi của Mỹ đi ngược lại những nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, cũng như gây tổn hại cho chính lợi ích của Mỹ.

Cùng ngày, TikTok tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Washington rằng ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

TikTok tuyên bố những thông tin về mối liên hệ giữa TikTok với Chính phủ Trung Quốc chỉ là "những đồn đoán vô căn cứ và thông tin sai sự thật". TikTok khẳng định chưa bao giờ cung cấp bất cứ dữ liệu nào của người sử dụng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc, và cũng sẽ không hành động như vậy nếu được yêu cầu. Các dữ liệu người sử dụng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ, trong khi bản sao dự phòng được lưu trữ tại Singapore.

Thời gian gần đây, TikTok đã lọt vào "tầm ngắm" của nghị sĩ Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm giao dịch của Mỹ với các chủ sở hữu WeChat và TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, khiến quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.

Theo giới chức Washington, ứng dụng TikTok có thể được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch vì mục đích chính trị và Mỹ "phải có những hành động quyết liệt với các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia".

Mới đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, công ty ByteDance phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ. Đây là động thái mới nhất mà chính quyền Washington triển khai nhằm gia tăng sức ép buộc ByteDance phải chuyển nhượng TikTok.

Trong một diễn biễn liên quan, báo Financial Times cùng ngày cho biết Tập đoàn phần mềm doanh nghiệp Oracle đang nghiêm túc xem xét việc mua lại hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Theo đó, Oracle được cho đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và đang làm việc với một số nhà đầu tư Mỹ có cổ phần trong ByteDance, trong đó có General Atlantic và Sequoia Capital, về vấn đề này. Hiện ByteDance cũng như TikTok chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Thành Dương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-phan-doi-sac-lenh-hanh-phap-cua-my-lien-quan-tiktok-20200818141318474.htm