Trung Quốc phá giá đồng NDT: Sức ép là có nhưng chưa phải mối đe dọa với Việt Nam

Theo TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln (Vương quốc Anh), tỷ giá đồng Việt Nam nói chung không chỉ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. 'Tôi nghĩ việc nhân dân tệ giảm giá có sức ép nhưng không phải là mối de dọa với tỷ giá khi chúng ta có đủ công cụ trong tay để có thể điều hành nó', ông Hào nói.

Tỷ giá đồng Việt Nam nói chung không chỉ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Tỷ giá đồng Việt Nam nói chung không chỉ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Trong một động thái đáp trả lại Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định tiếp tục phá giá tỷ giá nhân dân tệ (CNY) đối với USD ở mức 0,6%. Theo CNBC, đồng nhân dân tệ đã giảm 2,5% giá trị trong tháng này. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến diễn biến tỷ giá trong nước?

TS. Quách Mạnh Hào: Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của Việt nam với tổng kim ngạch thương mai hai chiều khoảng 106 tỷ USD năm 2018, trong đó giá trị hàng xuất khẩu của Việt nam khoảng 41 tỷ USD.

Việc đồng nhân dân tệ giảm giá chắc chắn có gây sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam nếu chúng ta không muốn có khoảng cánh lớn hơn trong thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, tỷ giá đồng Việt Nam nói chung không chỉ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định và dự trữ ngoại hối ở mức cao là những yếu tố quan trọng trung hòa tác động của nhân dân tệ. Tôi nghĩ, có sức ép, nhưng không phải là mối đe dọa với tỷ giá khi chúng ta có đủ công cụ trong tay để có thể điều hành nó.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá mạnh. Theo ông diễn biến này ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?

Các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc hưởng lợi. Chẳng hạn, sự giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ dẫn tới các doanh nghiệp trong nước liên quan tới sản xuất công nghiệp, chế tạo, dệt may chịu ảnh hưởng trực tiếp do máy móc thiết bị, nguyên liệu dệt may, hay linh kiện điện tử - những mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc - sẽ trở nên rẻ hơn.

Điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước có cùng sản phẩm, nhưng lại có lợi cho các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm đó như là một yếu tố đầu vào.

Tương tự như vậy, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản – những hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn và các doanh nghiệp mà thị trường chủ yếu là Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực trong khi các doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường khác có thể lại được hưởng lợi.

Như vậy, ở cấp độ doanh nghiệp và ngành riêng lẻ, tác động phụ thuộc vào từng mô hình kinh doanh cụ thể. Nhưng ở cấp độ nền kinh tế nói chung, tác động tiêu cực trong ngắn hạn về mặt thương mại là điều khó tránh.

Mô hình kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kim ngạch thương mại với Trung quốc. Trong khi những hàng hóa Trung Quốc dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam thì ở chiều ngược lại chúng ta vốn đã không làm tốt giờ lại thêm yếu tố cạnh tranh về giá.

Đó là trong lĩnh vực thương mại, còn trong lĩnh vực đầu tư, chiến tranh thương mại mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam do sự dịch chuyển của các doanh nghiệp.

Việt Nam chắc chắn đang là lựa chọn của dòng vốn nước ngoài. Chỉ cần nhìn vào các con số, chẳng hạn như dự trữ ngoại tệ đạt hơn 60 tỷ USD gần đây so với hơn 20 tỷ USD 5 năm trước, hay vốn FDI giải ngân năm 1018 đạt gần 20 tỷ so với khoảng 11 tỷ USD 5 năm trước… là có thể hình dung về nhận định này.

Điều đặc biệt là vốn đầu tư, gần 50%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo – lĩnh vực mà Trung Quốc chịu ảnh hưởng bới chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tựu trung lại, tôi nghĩa Việt Nam được hưởng lợi mặc dù cần thời gian để chứng minh nhận định này. Một vấn đề quan trọng là liệu Việt Nam có thể biến sự dịch chuyển ngắn hạn nhằm tránh chiến tranh thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài thành sự lưu trú dài hạn của họ hay không.

Lợi thế về nhân công giá rẻ, vốn là câu cửa miệng của các nhà xúc tiến đầu tư trong quá khứ, tôi nghĩ là đã rất lỗi thời và không còn quan trọng nữa.

Chính phủ và các nhà tạo lập chính sách sẽ rõ hơn tôi là cần phải làm gì, nhưng tôi có thể nhìn thấy rằng họ đang rất muốn tạo lập một môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp đồng USD tăng giá, NDT giảm giá như hiện nay thì Việt Nam nên điều hành chính sách tiền tệ như thế nào cho phù hợp?

Việc đồng USD lên giá và đồng nhân dân tệ giảm giá là điều bình thường bởi nó phản ánh một thực tế là đồng Việt Nam đang biến động khá gắn kết với đồng nhân dân tệ do kim ngạch thương mại lớn giữa hai nước.

Với Việt Nam, việc duy trì tỷ giá ổn định là quan trọng trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ lớn cùng với cơ hội thu hút được nhiều thêm các dòng vốn đầu tư nước ngoài tạo cho Việt Nam sự tự tin có thể duy trì chính sách ổn định tỷ giá. Nói cách khác, có sức ép giảm giá đồng Việt Nam, nhưng chúng ta nên duy trì ổn định và chúng ta có công cụ để làm điều đó.

Ông nghĩ như thế nào về nguy cơ chiến tranh tiền tệ khi Trung Quốc liên tục hạ giá nhân dân tệ?

Chiến tranh tiền tệ là một khái niệm mà tôi nghĩ khó để hiểu hết ý nghĩa của nó. Về lý thuyết thì khi một quốc gia chủ ý giảm giá trị tiền tệ nhằm liên tục tạo ra lợi thế cạnh tranh, đó đã có thể được gọi là khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ. Trung Quốc đang làm như vậy. Nhưng đó là một phản ứng phòng vệ, hệ quả của chiến tranh thương mại. Tôi chưa thấy dấu hiệu của một cuộc chiến tiền tệ theo nghĩa các quốc gia tham gia vào việc giảm giá trị đồng tiền của mình.

Trong bối cảnh trên, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá?

Rất khó để đưa ra lời khuyên này khi mà tôi không hiểu mô hình kinh doanh của họ. Ví dụ, có những doanh nghiệp hoạt động xuất hoặc nhập khẩu thoạt nghe và về lý thuyết sẽ chịu rủi ro tỷ giá, nhưng trong mô hình kinh doanh của họ, họ đã cân đối các dòng tiền ra - vào bằng ngoại tệ khá tốt nên không có rủi ro tỷ giá nào ở đó cả. Hoặc có những công cụ có thể sử dụng để phòng ngừa rủi ro thì nó lại không có ở Việt nam.

Qua nhiều năm làm thực tiễn và giảng dạy tại Việt nam, tôi nghĩ rằng cách phòng chống rủi ro tỷ giá tốt nhất lại chính là cố gắng dự báo biến động tỷ giá một cách tốt nhất có thể. Khi biết rằng có rủi ro thì có nghĩa là không còn rủi ro nữa.

Xin cám ơn ông rất nhiều!

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-pha-gia-dong-ndt-suc-ep-la-co-nhung-chua-phai-moi-de-doa-voi-viet-nam-536969.html