Trung Quốc phá đường dây làm giả vắc-xin Covid-19, Đức muốn mua vắc-xin Nga

Công an Trung Quốc ở các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông và thủ đô Bắc Kinh đã bắt giữ hơn 80 người liên quan đến đường dây sản xuất hơn 3.000 liều vắc-xin Covid-19 giả.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Công an Trung Quốc đang điều tra các tội danh liên quan đến sản xuất và mua bán vắc-xin giả, cùng "những hành vi sử dụng dược phẩm bất hợp pháp và gian lận dưới vỏ bọc vắc-xin".

Công an Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng, kể từ tháng 9/2020, những đối tượng có liên quan "đã kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ bằng cách nhỏ dung dịch nước muối vào các bơm tiêm để xử lý và sản xuất vắc-xin Covid-19 giả, rồi bán chúng với giá cao gấp nhiều lần".

Trung Quốc hiện đang triển khai tiêm chủng cho toàn bộ dân số trong nước bằng vắc-xin của 2 hãng dược nội địa là Sinovac và Sinopharm. Cả 2 công ty ban đầu cho biết, vắc-xin của họ có hiệu quả lên tới hơn 78%.

Đức ngỏ ý muốn mua vắc-xin của Nga

Một số liều vắc-xin Sputnik V của Nga. Ảnh: Reuters

Một số liều vắc-xin Sputnik V của Nga. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã tiết lộ rằng, Berlin sẽ mở cửa nhập khẩu vắc-xin Covid-19 từ Nga và Trung Quốc, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn liều lượng vắc-xin của nước này.

Trả lời phỏng vấn trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Spahn cho biết: “Bất kể quốc gia nào sản xuất vắc-xin, nếu an toàn và hiệu quả, đều có thể giúp ứng phó với dịch bệnh”.

Bình luận của Bộ trưởng Y tế Đức được đưa ra trước thời điểm Vladimir Chizhov, đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), tiết lộ rằng Moscow sẽ không chỉ mở cửa bán vắc-xin Sputnik V, mà còn chia sẻ thông tin về cách sản xuất loại vắc-xin này.

Phát biểu với hãng tin RIA Novosti, ông Chizhov giải thích rằng Moscow sẽ cung cấp cho tất cả các nước quan tâm một lô vắc-xin để thử nghiệm. Nếu họ đồng ý, một thỏa thuận có thể được thực hiện ngay trên lãnh thổ của các nước.

Công thức sản xuất vắc-xin Sputnik V hiện đã được một số quốc gia như Argentina, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Hungary đăng ký.

Israel tiếp tế 5.000 liều vắc-xin cho Palestine

Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz hôm 31/1 cho biết, Israel đã đồng ý tiếp tế 5.000 liều vắc xin Covid-19 cho Palestine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Đây là lần đầu tiên Israel xác nhận việc chuyển giao vắc-xin cho người dân Palestine, những người đang bị tụt hậu khá xa so với các chiến dịch tiêm chủng tích cực của Israel, và vẫn chưa được tiếp nhận bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào.

Văn phòng Bộ trưởng Benny Gantz cũng cho biết, công tác chuyển giao đã được chấp thuận ngay trong hôm 31/1, song không cho biết thêm chi tiết về thời điểm tiển hành. Giới chức Palestine chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Israel là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho toàn dân, sau khi đạt được thỏa thuận mua bán với các hãng dược lớn như Pfizer và Moderna. Bộ Y tế nước này cho biết, gần 1/3 trong tổng số 9,3 triệu người dân Israel đã tiêm vắc-xin Covid-19 liều đầu tiên, trong khi khoảng 1,7 triệu người đã được tiêm cả hai liều.

Chiến dịch phân phối vắc-xin của Israel sẽ bao gồm các công dân Ảrập của Israel và người Palestine sống ở đông Jerusalem, song lại không bao gồm người Palestine sống ở Bờ Tây và dải Gaza.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Theo thống kê của Worldometer, thế giới đã có 103.883.746 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.246.000 ca tử vong và 75.588.219 ca bình phục, tính đến sáng ngày 2/2/2021 (giờ Việt Nam). Mỹ tiếp tục là nước dẫn đầu về tổng số ca nhiễm (26.886.884) và số ca nhiễm mới trong ngày (1.552).

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-2-2-2021-trung-quoc-pha-duong-day-vac-xin-gia-710157.html