Trung Quốc: Nông dân trồng hoa khốn đốn vì dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến người nông dân trồng hoa ở Trung Quốc lâm vào cảnh khốn đốn.

Ngày lễ tình nhân (Valentine Day) năm nay ở Trung Quốc khá đặc biệt, các cặp vợ chồng hay những người yêu nhau gặp nhau khó khăn. Hầu hết các cửa hàng hoa đều đóng cửa, một vài chủ cửa hàng muốn kinh doanh đã phải chuyển sang bán hoa khô qua mạng.

Hoa bị xử lý như rác

Hoa bị xử lý như rác

Cửa hàng hoa nổi tiếng Rosa Gallica ở Vũ Khang Đình, Thượng Hải vẫn chưa mở cửa trở lại kể từ sau Tết âm lịch. Rosa Gallica thường chỉ bán các loại hoa nhập khẩu như Hương Uyển Đậu, Mai Trân châu của Nhật và Tulip của Hà Lan và chỉ chấp nhận khách mua quen và đặt mua online. Chợ hoa Đấu Nam ở Vân Nam, cách Thượng Hải hơn 2.000 km, cũng vắng vẻ. Đây là chợ bán buôn và đấu giá hoa lớn nhất ở Trung Quốc và 70% hoa ở thị trường 1,4 tỷ dân này được cung cấp từ chợ này. Vì ngày lễ Tình nhân, những người nông dân trồng hoa đã vất vả trồng trọt, chăm chút suốt mùa Đông, vậy mà, hàng triệu bông hoa hồng đã bị phá hủy ở đây vào ngày 10 tháng 2.

Ông Vương Thọ Hải, một người đấu giá hoa đã 5 năm tuổi nghề, trước đó khi xem báo thấy đăng tin “ngành trồng hoa Vân Nam có thể mất 4 tỷ Nhân dân tệ trong quý I”. Ông lặng người biết rằng lễ Tình nhân năm nay sẽ khó làm ăn. Chợ hoa Đấu Nam đã mở cửa vào ngày 10/2, tuy nhiên, các đối tác của nông dân trồng hoa và những thương lái vẫn chưa mở cửa lại kể từ sau Tết. Trước Tết, các phiên đấu giá hoa trong chợ Đấu Nam luôn có hơn 200 người tham dự. Sau Tết, do quản chế giao thông, chỉ có 40 thương lái hoa đến dự đấu giá. Ông Vương Thọ Hải nói với phóng viên Interface News: “Lúc này, nhiều người đang lo lắng về việc mua đồ ăn, ai còn tâm trạng mua hoa về trưng?”.

Thương lái mua hoa trong chợ Đấu Nam

Trước Tết, các nông dân trồng hoa cung cấp cho chợ Đấu Nam 800.000 bông hoa mỗi ngày. Từ ngày 27/1, chỉ có 3 - 400.000 bông và tỷ lệ đấu giá thành công chỉ là 50% -60%. Hoa hồng đỏ hôm Tết Thất tịch (7/7 âm lịch) năm 2019 giá 4 nhân dân tệ (14 ngàn VND) mỗi bông, vậy mà gần đây đã giảm xuống giá thấp nhất chỉ còn 5 xu (175 VND) mỗi bông, tức giảm 80 lần. Ông Tăng, chủ một trang trại trồng hoa hồng cho biết, ông có 50 mẫu hoa, nếu như mọi năm trước, mỗi mẫu ông thu 15 ngàn NDT, năm nay không tới 1.500, không đầy 10% mọi khi.

Ở Vân Nam chủ yếu là hộ nông dân nhỏ. Nếu tính toán dựa trên thu nhập 15.000 tệ mỗi mẫu vào ngày lễ tình nhân trong những năm trước, hộ nông dân thường có 20-30 mẫu hoa sẽ mất mấy trăm ngàn nhân dân tệ. “Các hộ nhỏ không chịu nổi khoản lỗ nặng như thế. Hoa nát tại vườn, chả có ai hỏi mua” - ông than thở.

Mọi năm trước, cao điểm của việc chuẩn bị nguồn hàng cho Valentine Day là từ ngày 7/2 đến 12/2. Năm nay, khối lượng giao dịch nhỏ và giá rất thấp, điều đó có nghĩa là tổn thất của mỗi người trồng hoa phải được tính theo 5 con số (tức hàng trăm ngàn tệ). Hầu hết nông dân trồng hoa đã bắt đầu chuẩn bị cho Valentine Day từ tháng 11 năm ngoái. Họ điều chỉnh thời gian trồng hoa hồng; thời gian sinh trưởng hoa vào mùa đông thường kéo dài. Nông dân trồng hoa đã phải dành 2-3 tháng và đầu tư rất nhiều chi phí, từ phân bón, điện nước, nhân công cho đến thuê đất trồng.

Sau dịp Tết tình nhân, thị trường hoa sẽ bước vào mùa thấp điểm. Giữa chừng cũng có những dịp cao điểm nhỏ như Tết phụ nữ 8/3, Ngày của Mẹ (Chủ nhật thứ 2 của Tháng 5) và “20/5” (ngày “Anh yêu em”) và sau đó phải đợi đến Tết Thất tịch 7/7. Nếu nông dân trồng hoa nhằm đến Ngày của Mẹ, họ sẽ phải chuẩn bị từ cuối tháng Hai và đầu tháng Ba. Rất nhiều tiền phải được bỏ ra đầu tư, những thua lỗ trong dịp Valentine Day đã khiến nhiều nông dân trồng hoa bị mắc kẹt. “Ngày Tết tình nhân năm nay đã bị thất thu lớn, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục sống và chờ đợi vụ hoa tiếp theo”. Dương Đào cố giữ tinh thần lạc quan, nhưng vụ hoa tiếp theo tình hình sẽ thế nào thì ông cũng không dám chắc.

Theo dữ liệu của trang mạng bán hàng Meituan.com, quà tặng được đặt giao hàng vào ngày 14/2 tăng 30% so với hôm trước. Ở cùng một thành phố, nhưng địa chỉ người gửi và người nhận đơn đặt hàng được đặt tại hai địa điểm, gần đây đã tăng 50%; tức là gặp mặt qua mạng còn gửi quà qua đặt hàng online. Trong số những món quà, các thiết bị phòng hộ đứng đầu tiên, tiếp theo là rau: cải xanh, súp lơ... Trong số các món quà tặng được tìm kiếm nhiều nhất trong ngày Valentine, khẩu trang đứng hàng đầu, tiếp đó là kính phòng hộ, thứ ba là hộp bông cồn khử trùng.

Ngày lễ tình nhân những người yêu nhau ở những nơi khác nhau chọn cách gặp nhau qua video call dẫn đến những nhu cầu về hoa khác hẳn trước đây. Tác động của dịch bệnh đối với chuỗi công nghiệp hoa cuối cùng đã được thể hiện qua người nông dân.

Thu Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-nong-dan-trong-hoa-khon-don-vi-dich-covid19-1519958.tpo