Trung Quốc nổi xung với hai 'đòn hiểm' của Mỹ

Trung Quốc hôm qua (14/10) đã tức giận cáo buộc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào cường quốc Châu Á thông qua việc liên tiếp đưa hàng loạt tàu chiến vào Biển Đông. Trung Quốc cũng tức giận miêu tả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

 Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Cui Tiankai

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Cui Tiankai

"Các tàu chiến của Trung Quốc sẽ không tiến về phía bờ biển California hay đến Vịnh Mexico. Hành động của họ diễn ra quá gần các đảo của Trung Quốc và quá gần bờ biển của Trung Quốc. Vậy ai là lực lượng đang tấn công, ai là lực lượng đang phòng vệ? Điều đó đã quá rõ ràng”, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Cui Tiankai phát biểu trên chương trình "Fox News Sunday with Chris Wallace". Phát biểu này rõ ràng ám chỉ đến vụ một tàu khu trục của Mỹ hôm 30/9 đã tiến sát gần các đảo mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách sai trái và phi pháp ở Biển Đông.

Biển Đông và Đài Loan là hai trong số những vấn đề gây ra cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ hôm 30/9 đã tiến hành một chuyến đi trong khuôn khổ “chiến dịch tự do hàng hải”. Khi chiến hạm của Mỹ đi qua khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Gaven và Gạc Ma ở Trường Sa của Việt Nam thì xảy ra vụ chạm trán với một tàu của Trung Quốc. Cụ thể, tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận sát với tàu USS Decatur theo “một cách thức nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp ở gần bãi đá Gaven ở Biển Đông”, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - ông Nate Christensen cho biết.

Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc những tháng gần đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc làm gia tăng sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với nước này.

Với chính sách gây bất bình ở Biển Đông, Trung Quốc liên tiếp vấp phải sự phản đối và thách thức của nhiều nước như Nhật Bản, Anh, Ấn Độ..., đặc biệt là Mỹ - siêu cường số 1 thế giới.

Về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, lâu nay, Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Quan hệ quân sự giữa hai nước này lên xuống thất thường và nhiều lần bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Lần nào, Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì lần đó họ đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Việc Mỹ gần đây tiếp tục tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan đã khiến Bắc Kinh tức giận cao độ, liên tiếp đưa ra cảnh báo về viễn cảnh mối quan hệ xấu đi giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Trung Quốc và vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201810/trung-quoc-noi-xung-voi-hai-don-hiem-cua-my-616641/