Trung Quốc nói gì về nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân?

Trung Quốc khẳng định, Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn vẫn hoạt động an toàn và không bình luận về thông tin nguy cơ rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra.

Hôm 15/6, Trung Quốc khẳng định nồng độ phóng xạ quanh Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông vẫn bình thường, sau khi CNN đưa tin chính phủ Mỹ đang đánh giá bản báo cáo về nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại cơ sở này.

“Không phát hiện điều bất thường đối với môi trường phóng xạ quanh nhà máy điện hạt nhân. Độ an toàn của nhà máy vẫn được đảm bảo”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Trung Quốc khẳng định Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông vẫn hoạt động an toàn. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc khẳng định Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông vẫn hoạt động an toàn. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trước đó, vào ngày 14/6, công ty hạt nhân Framatome của Pháp, đơn vị hỗ trợ vận hành Nhà máy Đài Sơn, đã đưa ra cảnh báo về “mối đe dọa rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra” tại cơ sở hạt nhân này. Công ty Framatome cho biết, đơn vị “đang hỗ trợ đưa ra giải pháp cho vấn đề hoạt động” tại Nhà máy Đài Sơn.

Dẫn bức thư được Framatome gửi tới Cơ quan Năng lượng Mỹ, CNN cho hay lời cảnh báo còn bao gồm cáo buộc cục an ninh hạt nhân Trung Quốc đã cho nâng giới hạn cho phép về nồng độ phóng xạ thoát ra ở bên ngoài cơ sở Đài Sơn để tránh khả năng nhà máy phải dừng hoạt động.

Theo CNN, chính phủ Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc họp để đánh giá về bản báo cáo của công ty Framatome. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng, Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc hiện vẫn chưa ở “mức khủng hoảng”.

Về phần mình, ông Triệu khẳng định Nhà máy Đài Sơn vận hành tuân thủ tất cả các quy định kỹ thuật.

“Trung Quốc vô cùng xem trọng vấn đề an toàn hạt nhân và đã cho thiết lập hệ thống giám sát an toàn hạt nhân đi kèm với các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia. Các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc tính đến nay vẫn duy trì hoạt động tốt. Không có bất cứ sự cố nào ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân”, ông Triệu nhấn mạnh.

Song ông Triệu từ chối bình luận liên quan tới thông tin công ty Framatome gửi lời cảnh báo các quan chức Mỹ nhất là cụm từ “mối đe dọa rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra”, cũng như thông tin chính quyền Trung Quốc đã cho nâng nồng độ hạt nhân cho phép quanh khu vực ở Nhà máy Đài Sơn.

Còn trong tuyên bố trên trang web hôm 13/6, đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Đài Sơn nhấn mạnh các chỉ dấu môi trường ở trong cơ sơ và khu vực xung quanh đều “bình thường”.

Cụ thể, 2 lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Đài Sơn vẫn đang hoạt động. Tổ máy số 2 gần đây đã hoàn thành “đại tu” và “thành công hòa vào lưới điện hôm 10/6”. Song thông báo này không nói vì sao tổ máy số 2 phải đại tu và phương thức đại tu.

Nhà máy Đài Sơn là dự án uy tín được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận sản xuất điện hạt nhân với Électricité de France (EDF), đơn vị nằm dưới sự quản lý của chính phủ Pháp. Cơ sở được bắt đầu xây dựng vào năm 2009 và 2 tổ máy đi vào sản xuất điện lần lượt vào các năm 2018 và 2019.

Trong đó, EDF hiện nắm 30% cổ phần của Nhà máy Đài Sơn, còn đơn vị vận hành là TNPJVC, công ty liên doanh với Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc thuộc quản lý của chính phủ Trung Quốc.

Đáng nói, Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc cùng 3 chi nhánh từng bị đưa vào danh sách đen trừng phạt của Mỹ hồi tháng 8/2019 nhằm ngăn chặn các công ty này tiếp cận lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Hôm 14/6, trong một tuyên bố, EDF cho hay công ty đã thông báo về nồng độ gia tăng “khí trơ ở mạch sơ cấp” của lò phản ứng số 1 thuộc Nhà máy Điện Hạt nhân Đài Sơn. Song tuyên bố này không nói rõ nồng độ gia tăng khí trơ là bao nhiêu.

Vào cuối cùng ngày, phát ngôn viên của EDF cho hay nồng độ phóng xạ gia tăng xuất phát từ nguyên nhân “xuống cấp của các thanh nhiên liệu”.

Song phát ngôn viên cũng khẳng định, chưa có bản đánh giá đầy đủ nên còn quá sớm để xác nhận có cần dừng hoạt động của lò phản ứng hay không và EDF cũng chưa nắm được thông tin liên quan tới nguồn gốc của hiện tượng xuống cấp của thanh nhiên liệu.

Nhà máy Đài Sơn tại Trung Quốc là cơ sở điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR. Các lò phản ứng EPR được cho có ưu điểm lớn về độ an toàn và hoạt động hiệu quả hơn so với các lò phản ứng truyền thống, đồng thời tạo ra ít rác thải hạt nhân hơn.

Trung Quốc hiện có 46 nhà máy hạt nhân với tổng năng lượng điện sản xuất là 48,75 triệu kilowatt và đang đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Pháp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/trung-quoc-noi-ve-nguy-co-ro-ri-phong-xa-o-nha-may-dien-hat-nhan-287512.html