Trung Quốc nói đập thủy điện giảm khô hạn: Phản bác thẳng

Không đồng tình với nghiên cứu của Trung Quốc khi cho rằng, thủy điện giúp giảm khô hạn, chuyên gia nói thẳng đó là lý lẽ của người kinh doanh thủy điện.

TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) lên tiếng phản bác những luận điểm nghiên cứu khoa học mới được Trung Quốc công bố vào giữa tháng 7/2020 về khả năng gây hạn của thủy điện.

Đập Tam Hiệp (Trung Quốc).

Đập Tam Hiệp (Trung Quốc).

Nghiên cứu này là sản phẩm hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc kết luận đập thủy điện nước này không gây khô hạn cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Thậm chí, Trung Quốc còn khẳng định, các đập thủy điện giúp giảm bớt vấn đề khô hạn bằng cách giữ bớt nước từ mùa mưa và tháo nước trong mùa khô.

"Đập thủy điện cung cấp nước cho mùa hè, cắt lũ mùa mưa là thuyết minh của những người đầu tư làm thủy điện, lập luận này không mới và cũng không có gì phải ngạc nhiên. Bởi lẽ, người làm thủy điện là những người phải đứng trên vai trò một nhà đầu tư để đưa ra những lý lẽ ưu việt, có lợi cho mình.

Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại và bản thân Trung Quốc cũng vừa phải hứng chịu những hệ lụy do chính hệ thống thủy điện của nước mình gây ra", TS Dương Văn Ni phản bác.

Phân tích cụ thể, theo vị chuyên gia, thực tế, thủy điện cũng có ưu điểm. Về nguyên tắc, thủy điện có vai trò giữ nước, ngăn hạn, đó là ở thời điểm khí hậu thuận lợi, quanh năm mua thuận gió hòa.

Tuy nhiên, hiện nay dưới tác động của sự biến đổi khí hậu, mùa khô hạn càng kéo dài, thủy điện muốn duy trì việc phát điện bắt buộc phải giữ nước ngay ở đỉnh điểm của mùa khô dẫn đến lưu lượng nước về khu vực hạ lưu giảm đột ngột, khiến khu vực hạ du hạn càng thêm hạn.

Nghiên cứu của Công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) công bố năm 2019 cho thấy, các đập của Trung Quốc đã giữ nước làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn.

Bằng chứng từ dữ liệu vệ tinh về độ ẩm bề mặt trên đất liền đã thể hiện mực nước tại khu vực thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 - 10/2019, trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3m so với mức cần thiết.

Nghiên cứu này đã khẳng định, nếu đập Trung Quốc không hạn chế dòng chảy, một phần của sông Mekong dọc theo biên giới Thái Lan - Lào sẽ có mực nước trên trung bình từ tháng 4/2019 đến nay thay vì chịu đựng hạn hán nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, tình trạng khô, hạn mặn cũng được ghi nhận diễn ra nghiêm trọng tại miền Tây Việt Nam. Riêng tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại 30-70%, 340 ha hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài những nguyên nhân được chỉ ra do thời tiết như hiện tượng El Nino, gây thiếu mưa thì 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong cũng là nguyên nhân.

Trong khi đó, vào mùa mưa lũ, mực nước lớn, thủy điện muốn cứu mình thì phải xả lũ khiến lượng nước đổ về hạ du vô cùng lớn, hạ du ngập thêm ngập.

"Tất cả những nghịch lý này đều đã được chứng minh trong suốt thời gian dài và bản thân Trung Quốc cũng vẫn đang phải gồng mình chống chọi với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Khi Trung Quốc phải chịu đựng những cơn mưa kỷ lục kéo dài hàng tuần, mực nước các con sông dâng cao, nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp liên tục ở mức báo động đã làm biến dạng, đe dọa sự an toàn của con đập này. Đứng trước nguy cơ vỡ đập đập Tam hiệp đã buộc phải xả lũ khiến nhiều thành phố của nước này chìm trong ngập lụt.

Thống kê sơ bộ từ Trung Quốc thì có khoảng 40 triệu người ở 27 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi trận lụt tính đến ngày 12/7, gây thiệt hại trực tiếp hơn 80 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD) cho nền kinh tế. Khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị sập đổ, trong khi hàng triệu người phải di dời và ít nhất 141 người đã được tuyên bố là đã chết hoặc mất tích trong lũ lụt.

Đây là bằng chứng xác thực nhất minh chứng cho những lập luận tốt đẹp về thủy điện của Trung Quốc là không thực tế", vị chuyên gia nói thêm.

Quan điểm của TS Dương Văn Ni cũng tương đồng với quan điểm của các nhà khoa học quốc tế.

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe, Đức cho rằng các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng các con đập Trung Quốc làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn và "phía Trung Quốc đã không làm gì nhiều để giảm bớt những lo ngại về các con đập của mình".

Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới của người Thái xem việc giữ nước trong mùa mưa rồi xả nước trong mùa khô mà các đập thủy điện Trung Quốc đang làm là đi ngược lại tự nhiên vì lũ là điều tự nhiên xuất hiện trong mùa mưa.

Ngoài giữ nước, các con đập còn giữ phù sa, cát và sỏi. Nghiên cứu của MRC chỉ ra rằng lượng phù sa trên sông đã giảm gần 77% so với điều kiện gần như tự nhiên của những năm 1990. Hậu quả là đáy sông bị mất cân bằng, đồng bằng bị sụt lún, làm giảm sâu hơn nguồn cung nước ngọt.

Vì thế, họ đã kêu gọi Trung Quốc phải công khai, minh bạch các số liệu về nước với các quốc gia liên quan

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/trung-quoc-noi-dap-thuy-dien-giam-kho-han-phan-bac-thang-3415649/