Trung Quốc nhún mình trước chiến tranh thương mại với Mỹ

Báo Washington Post ngày 16.8 (giờ Mỹ) nhận định khi cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể không tránh né được, Bắc Kinh đã có những động thái 'nhún mình', phát đi thông điệp Trung Quốc chỉ là 'đầy tớ khiêm hạ', sẵn sàng phục vụ các quốc gia khác.

Tranh minh họa ông Tập Cận Bình phô trương sức mạnh Trung Quốc - Ảnh: Internet

Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc là “bá hộ” kinh tế, trỗi dậy để hủy hoại nước Mỹ. Ông còn so sánh giới lãnh đạo Trung Quốc với “các sư phụ cờ tướng”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng bức” kinh tế Mỹ và thực hiện “vụ cướp lớn nhất trong lịch sử thế giới”, ám chỉ việc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Khi nguy cơ đại chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu hiển hiện, ông Trump viết Twitter: “Mỹ đã thua từ nhiều năm trước”, ý chê trách chính phủ tiền nhiệm Barack Obama.

Bắc Kinh trấn an ông Trump bằng thái độ nhún nhường

Nhưng Trung Quốc lại phát đi thông điệp khác: “Chúng tôi không vĩ đại đâu”, và Bắc Kinh cũng phát đi thông điệp Trung Quốc chỉ là “đầy tớ khiêm hạ”, sẵn sàng phục vụ các quốc gia cần có sự giúp đỡ.

Vài tháng qua, Bắc Kinh chỉ đạo các cán bộ và giới truyền thông nhà nước ngưng đề cao sức mạnh kinh tế nước nhà, hạn chế dùng chữ “chiến tranh thương mại”.

Trong các bài xã luận của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đều cẩn trọng không mô tả những thành tích của Trung Quốc là “thiên hạ đệ nhất” hoặc “số 1 thế giới”.

Tác giả các bài viết nêu “sự khoe khoang khoác lác đó có thể dễ khiến thiên hạ hiểu lầm, thậm chí phán xét sai”.

Ngày 1.8, một nhóm 27 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa gởi một thư ngỏ, kêu gọi sa thải Giáo sư Hồ Yên Cương của trường này, vì ông đã tuyên bố Trung Quốc đã nổi lên như một siêu cường hàng đầu thế giới, và ông cổ vũ quan điểm Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên quyền lực mới của thế giới, “thổi phồng” khả năng kinh tế, kỹ thuật và quân sự của Trung Quốc.

Trong thư ngỏ viết: “Giáo sư Hồ Yên Cương khiến nhân dân hoang mang, khiến các nước khác cực kỳ cảnh giác với Trung Quốc, các nước láng giềng sợ Trung Quốc, gây hại cho tổ quốc và nhân dân Trung Quốc".

Giới truyền thông nhà nước còn nhận chỉ đạo phải bớt đề cập chính sách công nghiệp Made in China 2025. Đây là một chương trình trọng điểm, nhằm để Trung Quốc chuyển mình thành “thiên hạ đệ nhất” ở 10 lĩnh vực công nghiệp chủ đạo, gồm trí khôn nhân tạo (IQ), phát triển hàng không thương mại và dược phẩm.

Giáo sư Vương Nghĩa Quỳ của khoa Quan hệ quốc tế Đại học nhân dân Bắc Kinh, và là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc trong thời đại mới”, nói: “Cuộc chiến thương mại đã buộc Trung Quốc phải nhún nhường hơn. Chúng tôi phải nên hạ mình xuống”.

Tại một tiệc chiêu đãi, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải nói mục tiêu của Bắc Kinh là tự phát triển, không tranh đua với các nước khác: “Trung Quốc không có ý định thách thức vị thế và quyền lợi của các nước khác, hoặc với các hệ thống và trật tự quốc tế hiện hành”.

Nhưng các chuyên gia nói đấy là “mẹo” của Bắc Kinh nhằm xoa dịu chính quyền Mỹ và lãnh đạo các nước khác.

Bà Bonnie Glaser, chủ nhiệm Dự án quyền lực Trung Hoa thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) viết e-mail gởi Bưu điện Washington: “Đó là một nỗ lực xóa mờ bất kỳ mối đe dọa nào của Trung Quốc đối với Mỹ”, sau khi Nhà Trắng có Chiến lược An ninh quốc gia (NSS), Lầu Năm Góc có Chiến lược Phòng vệ quốc gia (NDS) vốn đều xếp Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính.

Mỹ cũng cáo buộc Nga-Trung mở rộng hoạt động quân sự, đe dọa an ninh quốc tế. Trong báo cáo hàng năm vừa trình Quốc hội Mỹ hôm 16.8, Lầu Năm Góc ước tính khoản chi quốc phòng Trung Quốc trong năm 2017 đã vượt quá 190 tỉ USD.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nêu dù sức tăng trưởng kinh tế giảm tốc, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc sẽ là hơn 240 tỉ USD từ năm 2028.

Theo Bưu điện Washington, đấy là sự thay đổi thái độ của Trung Quốc dưới quyền ông Tập, người đã từ bỏ chính sách đối ngoại “giấu đi sức mạnh, ẩn mình chờ thời” của tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình, đổi lấy một chính sách hung hăng hơn nhằm thể hiện uy quyền với các nước khác.

Ông Đặng được ghi nhận có công mở ra thời đại cải cách kinh tế và mở cửa cho Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích nói ông Tập đã rời xa nguyên tắc tập thể lãnh đạo và công cuộc cải cách của ông Đặng.

Và dưới thời ông Tập, chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc, gồm quan điểm cứng rắn về những vấn đề lãnh thổ, ví dụ Đài Loan và nhất là ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, cũng khiến ông Tập bị nhận xét là rời xa chính sách đối ngoại “giấu đi sức mạnh, ẩn mình chờ thời” mà ông Đặng chủ trương.

Bà Angela Stanzel, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp ở Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nói: “Các tiền nhiệm của ông Tập luôn tránh so sánh sự phát triển của Trung Quốc với Mỹ”.

Nhưng từ khi nắm quyền lực năm 2013, ông Tập phát đi quan điểm của ông, rằng Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn hàng thứ hai thế giới, sở hữu nhiều tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, một tàu sân bay (và đang đóng vài chiếc nữa) cùng chiến đấu cơ tàng hình.

Trung Quốc chưa có chiến lược đối phó

Bà Stanzel nói thêm: "Từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra, Trung Quốc cố gắng cẩn thận hơn trong những gì họ nói với thế giới bên ngoài. Nhưng điều đó không chắc chắn có nghĩa là Trung Quốc thực sự muốn nhún mình khiêm hạ".

Thái độ hạ thấp các tham vọng của Trung Quốc cũng có thể phục vụ các mục đích khác. Vài tháng qua, một loạt thách thức trong nước đã làm lung lay lòng tin của người dân vào giai cấp lãnh đạo, gồm vụ bê bối vắc-xin rởm, đã khiến người dân phẫn nộ, và làm dấy lên thắc mắc liệu các bậc phụ huynh có nên tin vào thuốc men mà họ mua cho con cái họ.

Thắc mắc đó xới lên lại nỗi sợ lâu nay về sự minh bạch của ngành chăm sóc y tế của Trung Quốc, và về khả năng giám sát của chính phủ đối với các công ty thống trị kinh tế Trung Quốc.

Các dữ liệu kinh tế công bố hôm 14.8 cho thấy sức tăng trưởng chậm hơn ở mảng đầu tư và chi tiêu dùng, và còn đó nỗi sợ cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan mạnh. Cổ phần chứng khoán Trung Quốc giảm giá trị, đồng Nhân dân tệ bị rớt giá trị 9% so với đồng USD từ giữa tháng 4 đến nay.

Hoặc ngày 10.8, công an Trung Quốc được lệnh nhanh chóng giải tán một vụ xuống đường phản đối ở Bắc Kinh, sau khi hàng trăm sàn cho vay ngang hàng (peer-to-peer, P2P) sụp đổ, một số nạn nhân tính đi biểu tình ở thủ đô, kêu gọi giới chức quản lý nghiêm ngặt hơn và đền bù cho người bị mất tiền.

Cũng có sự thất vọng, trước việc CPC phản ứng với các đòn áp thuế và dọa nạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các ý kiến chỉ trích nói chưa thể thấy Bắc Kinh có chiến lược chặt chẽ nào có thể chỉ ra hướng đàm phán với Mỹ, nhằm tránh một thất bại thảm họa cho kinh tế Trung Quốc.

Với khả năng Mỹ áp mức thuế cao trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, và vì nguy cơ Trung Quốc càng khó tiếp cận thị trường Mỹ hơn, xem ra ông Tập lại chưa vạch được một chiến lược nào để hạn chế tổn thất, hoặc để thuyết phục ông Trump đàm phán một thỏa thuận.

Thay vào đó, xem ra Bắc Kinh chọn thái độ thách thức và cũng áp thuế cao lên hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa Washington, khiến giới truyền thông nhà nước bị chỉ trích vì cứ công kênh sức mạnh kinh tế nước nhà.

Giới kiểm duyệt đã phải tăng cường xóa bỏ dòng thác chỉ trích trên mạng xã hội, mà một số chỉ trích nhắm thẳng ông Tập.

Ông Tập đang là Tổng bí thư CPC, kiêm Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) và kiêm nhiều chức vụ khác.

Các chỉ trích vạch ra việc ông Tập đối mặt với những nguy cơ từ việc ông thâu tóm quyền lực: tự ông biến mình thành một mục tiêu bị quy trách nhiệm, theo ông Joseph Cheng, cựu giáo sư Đại học Hồng Kông và là nhà quan sát lão làng về chính trị Trung Quốc.

Ông Steve Tsang, chủ nhiệm Viện SOAS China (ở Hồng Kông) nói: “Sự phô trương những thắng lợi của Trung Quốc thời ông Tập đã không được nhiều người trong đảng hoan nghênh, dẫn đến những chỉ trích công khai”.

Bắc Kinh được cho là cần tỏ thái độ khiêm hạ hơn nữa, nhằm kéo giảm kỳ vọng trong nước và kêu gọi người dân Trung Quốc kiên nhẫn.

Cựu giáo sư Trương Minh của khoa chính trị học thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Uy tín là điều quan trọng nhất, và việc nhân dân mất lòng tin vào chính trị có thể sẽ gây ra hậu quả tàn phá. Đa phần sự bất mãn ông Tập do chính phủ của ông ấy không làm việc hiệu quả. Nếu bạn muốn là hoàng đế, bạn phải đạt được những thành tựu lớn. Ông Tập chẳng có thành tích lớn nào cả, nên rất khó lòng thuyết phục người dân”.

Nhưng theo Bưu điện Washington, thông điệp của ông Tập vẫn còn lưu truyền. Bài xã luận gần đây của Nhân dân nhật báo viết: “Sau hơn 100 năm lao động cần cù, Trung Quốc đã trở lại trung tâm vũ đài thế giới, và đây là một thực tế cơ bản mà chúng ta phải quan sát trong xung đột thuơng mại Trung-Mỹ”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Post)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/trung-quoc-nhun-minh-truoc-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-94805.html