Trung Quốc- Nhật Bản mùa đông chính trị kéo dài 8 năm

Chuyến thăm Trung Quốc ba ngày hiện tại của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được coi như cánh chim én báo hiệu mùa đông băng giá có thể sắp qua và mùa xuân ấm áp có thể đang đến cho mối quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng này của nhau trong khu vực Đông Bắc Á.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mùa đông chính trị ấy kéo dài đến nay đã 8 năm. Trong quãng thời gian ấy, ông Abe và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp nhau mấy bận bên lề những sự kiện đa phương quốc tế. Nhưng ông Abe là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên kể từ năm 2011 tới thăm Trung Quốc và cũng còn là lần đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình đứng đầu nhà nước Trung Quốc.

Trong suốt khoảng thời gian ấy chỉ có một lần, mà lại mới gần đây thôi, thủ tướng Trung Quốc tới Nhật Bản. Mùa đông chính trị ấy là hệ lụy của cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với ba hòn đảo. Cuộc tranh chấp này, cùng với việc Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của phía Trung Quốc về xử lý di sản quá khứ lịch sử thời quân đội thực dân và phát xít Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng Trung Quốc trong nửa đầu của thế kỷ trước cũng như việc Nhật Bản ở trong mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á là những mối bất hòa cũ giữa hai nước.

Thời gian gần đây, mối quan hệ song phương này càng thêm bất ổn khi hai bên cọ sát và xung khắc lợi ích rõ ràng và quyết liệt ở khu vực Biển Đông, ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và cả ở châu Phi. Cả hai đều nỗ lực gây dựng tập hợp lực lượng riêng bằng các công cụ chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư để có đối trọng nhau.

Ông Abe công du Trung Quốc vào thời điểm tất cả những mối bất hòa ấy đều chưa được khắc phục và cũng không có dấu hiệu là sẽ có thể được khắc phục hết hay một phần nhờ chuyến đi này của ông Abe. Bởi thế, việc ông Abe thực hiện được chuyến đi và việc Trung Quốc mở lòng đón ông Abe cho thấy cả hai bên đều muốn để cho mùa đông qua và mùa xuân tới trong mối quan hệ song phương. Để đạt mục tiêu ấy, Trung Quốc và Nhật Bản đã dàn xếp chuyến đi Trung Quốc này của ông Abe bằng cách tạm gác lại những mối bất hòa kia để cùng nhau gây dựng thời kỳ quan hệ mới.

Hai bên có lý do xác đáng để làm việc ấy vào thời điểm hiện tại. Quan hệ chính trị băng giá gây tổn hại to lớn cho sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư rất quan trọng của nhau. Mỹ gây xung khắc thương mại càng quyết liệt và chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump càng khó tiên liệu thì hai nước này càng thêm quan trọng đối với nhau trên những phương diện kia và càng cần phải dựa vào nhau cũng như hợp sức với nhau.

Trong chuyện này, Nhật Bản còn cần Trung Quốc làm đối trọng và Trung Quốc còn có nhu cầu phân hóa Nhật Bản với Mỹ. Một nguyên cớ quan trọng khác nữa khiến Trung Quốc và Nhật Bản phải gác lại bất hòa mà mở đường cho thời kỳ quan hệ mới là cả hai trong thời gian vừa qua gần như bị gạt ra ngoài lề những chuyển biến sâu sắc và khá cơ bản trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên, như thể không có chân trong cuộc chơi chính trị an ninh mới ở khu vực Đông Bắc Á và dễ bị mất phần trong tương lai chính trị tới đây ở khu vực và trên bán đảo Triều Tiên. Lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của cả hai đều bị động chạm và có thể bị nguy hại. Vì cùng hội nên họ buộc phải cùng thuyền trong chuyện này.

Nhu cầu gây dựng thời kỳ quan hệ mới buộc Trung Quốc và Nhật Bản không thể để cho chuyến công du Trung Quốc này của ông Abe chỉ có ý nghĩa về chính trị mà phải có được cả kết quả cụ thể khác. Một số thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư được ký kết giữa Trung Quốc với đoàn doanh nghiệp hơn 100 người tháp tùng ông Abe.

Ông Abe chủ ý cởi mở với khả năng Nhật Bản tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc cũng như khả năng cùng Trung Quốc thực thi một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở quốc gia nào đó. Dịp kỷ niệm 40 nằm ngày hai nước ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác được tổ chức trọng thể, giúp cho chuyến đi của ông Abe bớt bị chịu tác động khiên cưỡng của việc hai bên bị tình thế thời cuộc hiện tại thúc ép phải xích lại gần nhau. Sự khởi đầu đã được gây dựng, nhưng thời mới có đến được thật hay không cho quan hệ giữa hai nước này thì phải thêm thời gian nữa mới rõ.

Lư Phổ Ân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/trung-quoc-nhat-ban-mua-dong-chinh-tri-keo-dai-8-nam-924851.html