Trung Quốc nghi bị Mỹ kìm chân

Có nhận định ở Bắc Kinh cho rằng đằng sau cuộc chiến thương mại là chiến lược của ông Trump nhằm ngăn nước này vươn lên thành cường quốc toàn cầu

Các nhà thương thảo Trung Quốc và Mỹ đang lên lộ trình cho các cuộc đàm phán nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại trước lúc lãnh đạo hai nước có thể gặp nhau khi cùng dự một số hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới.

Nỗ lực của Bắc Kinh

Tờ The Wall Street Journal hôm 17-8 dẫn lời giới chức tại hai nước cho biết các cuộc thương thảo tại Washington vào tuần tới sẽ giúp mở đường cho một lộ trình như thế. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu dự kiến gặp phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Tài chính David Malpass đứng đầu trong ngày 22 và 23-8.

Cuộc gặp trên phát đi tín hiệu Bắc Kinh muốn quan hệ với Washington nồng ấm trở lại như những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mối quan hệ này trở nên xấu đi, nhất là sau khi ông Trump đánh thuế mạnh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc để trừng phạt "hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ và đánh cắp công nghệ". Kể từ đó, hai bên có động thái ăn miếng trả miếng, tác động tiêu cực đến đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia ở Bắc Kinh nhận định một cuộc xung đột leo thang và kéo dài với Washington đe dọa làm gián đoạn kế hoạch làm mới nền kinh tế và biến Trung Quốc thành siêu cường toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vì thế, giới chức Trung Quốc giờ đây được lệnh tìm cách bình ổn mối quan hệ song phương này càng sớm càng tốt.

Tại Bắc Kinh, một số quan chức Trung Quốc đã gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ trong những ngày qua nhằm thuyết phục họ vận động chính quyền ông Trump không áp đặt thuế mới. Giới chức Bắc Kinh cũng nhấn mạnh 2 nước cần thương thảo và kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đóng vai trò tích cực.

Bất chấp những bước đi trên, hiện không có gì bảo đảm tiến trình đàm phán sắp tới diễn ra suôn sẻ, nhất là khi Mỹ không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ. Cho đến giờ, Washington đã đánh thuế lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế áp lên 16 tỉ USD hàng hóa nữa dự kiến có hiệu lực vào tuần tới. Ông Cheng Li, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng ông Tập Cận Bình sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hơn so với ông Trump bởi sức ép đang gia tăng trong nước.

Xe hơi xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Ít kỳ vọng

Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung bị đình trệ kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đến Bắc Kinh vào đầu tháng 6. Giới phân tích cho rằng sự hiện diện của 2 quan chức cấp bộ tại cuộc đàm phán được nối lại sắp tới cho thấy không có nhiều kỳ vọng. Trước thềm cuộc gặp này, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump, cảnh báo cứng rắn rằng Trung Quốc không nên đánh giá thấp việc ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến thương mại.

Ngay cả khi cuộc gặp sắp tới đạt kết quả tích cực, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn cần chuẩn bị nhiều hơn nữa để bảo đảm một cuộc thượng đỉnh Mỹ - Trung có thể diễn ra. Theo The Wall Street Journal, hai nhà lãnh đạo này dự kiến cùng dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào giữa tháng 11 và sau đó là hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina vào cuối tháng.

Cái khó hiện nay của Trung Quốc là họ vẫn chưa chắc sẽ đối phó ra sao với một ông chủ Nhà Trắng khó đoán giữa lúc có nhận định ở Bắc Kinh cho rằng đằng sau cuộc chiến thương mại là chiến lược của ông Trump nhằm ngăn nước này vươn lên thành cường quốc toàn cầu. Trang Bloomberg đã phỏng vấn hơn 20 quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, biên tập viên các cơ quan truyền thông nhà nước ở Trung Quốc và nhận thấy nỗi nghi ngờ chung của nhiều người rằng thuế quan chỉ là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc chiếm vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một số người thậm chí lo ngại 2 quốc gia có thể cạnh tranh lâu dài hơn nhằm tranh nhau vị trí thống trị toàn cầu, tương tự cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô vào thế kỷ trước. "Chiến tranh thương mại làm nảy sinh suy nghĩ ở Trung Quốc rằng có phải một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu" - ông An Gang, chuyên gia tại Viện Pangoal, nhận định. Theo chuyên gia này, một số người còn lo ngại căng thẳng có thể lan sang cả những vấn đề khác, như biển Đông, Triều Tiên và Đài Loan.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-nghi-bi-my-kim-chan-20180818212252207.htm