Trung Quốc: Nga-Mỹ là một phần của phương Tây

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Nga và Mỹ đã hình thành quán tính tư duy coi thường nhau trên cơ sở sự tự tin về văn hóa tôn giáo.

Gà cùng một mẹ?

Tạp chí “Hòa bình và phát triển” của Trung Quốc mới đây có bài viết phân tích về mối quan hệ Nga-Mỹ, trong đó đưa ra nhận định cả hai cường quốc này đều thuộc một phần của văn hóa phương Tây.

Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc đã chỉ ra những hướng phát triển khác nhau trong lịch sử để đi đến đánh giá phân biệt giữa Nga với phương Tây, trong đó có Mỹ.

Tạp chí Trung Quốc cho rằng xem xét về thuộc tính tôn giáo, thì đạo Tin Lành được người Anh hoặc người Anglo – Saxon sùng tín, được coi là nguồn gốc chủ yếu của tôn giáo và văn hóa Mỹ cũng như Chính thống giáo mà người Nga tôn sùng đều thuộc Kito giáo. Cùng với sự chia rẽ của Giáo hội Roma, đã dần dần hình thành các nhánh Thiên chúa giáo, Chính thống giáo phương Đông và Tin Lành..., có giáo lý tôn giáo vừa giống lại vừa khác nhau.

Dưới con mắt của người Trung Quốc, cả Nga và Mỹ đều thuộc về phương Tây

Theo tạp chí Trung Quốc, cả Chính thống giáo và Tin Lành đều nhận là phái “chính tông nhất” và hình thành ngọn nguồn chủ yếu về quan niệm đối lập tôn giáo và văn hóa giữa người Nga và người Mỹ, trên cơ sở đó nảy sinh hàng loạt khác biệt và đối đầu giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như tôn giáo, triết học, tư tưởng, văn hóa...

Ví dụ được nêu ra là trong cuốn sách “Người Mỹ - Tiến trình phát triển”, giáo sư nổi tiếng của Đại học Havard (Mỹ) Daniel J.Boorstin đã trích dẫn một số câu ở cuốn sách “Vườn ươm nước Anh mới” của giáo sư Francis Lee Higginson Đại học Chicago (Mỹ) để chứng minh quan niệm tôn giáo tự tin của người Mỹ: “Điều chúng ta tôn thờ là tôn giáo đích thực…do đó... ai có thể đối đầu với chúng ta?”.

Còn sự tự tin của người Nga về tín ngưỡng tôn giáo được tạp chí Trung Quốc chứng minh bằng sự kiện từ đầu thế kỷ XVI, người Nga đã giương cao ngọn cờ Moscow là “Roma thứ ba” sau Roma và Constantinople, nhằm thể hiện sự chính tông và tự tin của mình.

Nhà thờ Thánh Basil trên Quảng trường Đỏ ở Moscow được xây dựng từ giữa thế kỷ XVI

Từ những luận giải trên, giới phân tích Trung Quốc cho rằng Nga và Mỹ đã hình thành quán tính tư duy coi thường nhau trên cơ sở sự tự tin về văn hóa tôn giáo, cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ song phương luôn khó hòa hợp.

Cũng theo tạp trí Trung Quốc, truyền thống bài xích lẫn nhau về thể chế chính trị kinh tế giữa Nga và Mỹ vẫn đang kéo dài, trở thành một trong những nhân tố đối lập lâu dài và mang tính cơ cấu của quan hệ song phương.

Ngay sau khi Thế chiến I kết thúc, khi ký Hiệp định Versailles, các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa trong đó có Mỹ đã xem xét đối phó với Liên Xô.

Tuy Mỹ và Liên Xô đã gác lại sự đối lập về chế độ chính trị, liên kết thành phe đồng minh để đánh bại phe “trục” phát xít gồm Đức, Italy và Nhật Bản, nhưng sau Thế chiến II, cùng với bài phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Mỹ về chống Liên Xô, đồng thời Mỹ đưa ra “chủ nghĩa Truman” vào tháng 3/1947, sự đối kháng giữa hai phe lớn là phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã khai cuộc, Chiến tranh Lạnh bắt đầu.

Trong thời kỳ này, hai nước đã chạy đua vũ trang, cạnh tranh về vũ trụ và công nghệ cũng như đối lập và đối kháng toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao... Sự đối kháng, cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau liên tục kéo dài đến khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu Nga-Mỹ vẫn tiếp diễn dù sau khi Liên Xô tan rã, Nga trở thành nước kế thừa Liên Xô theo ý nghĩa luật pháp quốc tế, nhưng họ đã kế thừa một Liên Xô mất đi 23,8% lãnh thổ, 48,5% dân số, 41% GDP, 39,4% tiềm lực công nghiệp, 44,6% năng lực quân sự.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-nga-my-la-mot-phan-cua-phuong-tay-3361625/