Trung Quốc nắm cảng biển chiến lược, quân đội Mỹ 'hứng hậu quả lớn'?

Tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi nhận định quân đội Mỹ sẽ 'hứng hậu quả lớn' một khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát cảng biển chiến lược ở Djibouti.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho hay, phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 6/3, Tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi đã bày tỏ quan ngại về khả năng căn cứ quân sự của Mỹ có thể phải đối mặt với "những hậu quả lớn" một khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát khu cảng chiến lược ở Djibouti. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Phi thông qua các khoản đầu tư lớn.

Hồi tháng trước, Djibouti đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với DP World của Dubai, một trong những nhà điều hành cảng biển lớn nhất trên thế giới, để nắm quyền điều hành cảng container Doraleh.

Cảng container Doraleh ở Djibouti.

DP World đã gọi hành động của Djibouti là trái phép và công ty này chuẩn bị nộp đơn kiện lên trên Tòa trọng tài quốc tế London.

Trong cuộc họp hôm 6/3, các nghị sĩ Mỹ cũng nhấn mạnh họ đã nhận được nhiều báo cáo nhắc tới việc Djibouti muốn giành lại cảng Doraleh để trao cho Trung Quốc và xem đây là một món quà tặng. Trong khi đó, Trung Quốc đã cho xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti và chỉ nằm cách căn cứ quan trọng của Mỹ ở quốc gia Sừng châu Phi này có vài kilomet.

Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, ông Bradley Byrne, một nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Djibouti. Hành động của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới hoạt động và mạng lưới tình báo của quân đội Mỹ. Bởi Djibouti nằm ở vị trí chiến lược phía nam lối vào Biển Đỏ trên đường dẫn tới kênh đào Suez.

Tướng Waldhauser nhấn mạnh nếu Trung Quốc thiết lập giới hạn sử dụng cảng Doraleh, hành động này sẽ tác động lớn tới công tác tiếp vận cho căn cứ Mỹ ở Djibouti cũng như hoạt động tiếp liệu của các tàu chiến hải quân Mỹ.

“Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát cảng Doraleh, hậu quả sẽ rất lớn”, SCMP dẫn lời ông Waldhauser phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.

Djibouti là nơi hoạt động của một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ với khoảng 4.000 nhân viên bao gồm các lực lượng đặc nhiệm. Đây còn là khu vực Mỹ triển khai hoạt động tới Yemen và Somalia.

“Một số tín hiệu cho thấy, Trung Quốc đang muốn có thêm các cơ sở quân sự và đặc biệt là ở khu vực bờ biển phía đông. Trung Quốc xem Djibouti là điểm xuất phát và sẽ còn nhiều điểm đến tiếp theo”, ông Waldhauser nói thêm.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng có động thái mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Phi thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng hoặc thắt chặt quan hệ thương mại với các nước trong khu vực.

Theo ông Waldhauser, Mỹ không thể theo kịp Trung Quốc trong việc đầu tư vào khu vực châu Phi bao gồm các công trình trung tâm thương mại, tòa nhà chính phủ và cả sân vận động bóng đá.

“Chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua Trung Quốc ở một số khoản chi tiêu tại châu Phi”, ông Waldhauser nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay Mỹ sẽ chi thêm 533 triệu USD cho chương trình cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân của tình trạng đột và hạn hán tại Ethiopia, Somalia, Nam Sudan cũng như các nước Tây và Trung Phi quanh hồ Chad.

Tuy nhiên, ông Tillerson lại khẳng định Mỹ vẫn duy trì “sự tăng trưởng ổn định” ở châu Phi dù gần đây, Trung Quốc đã cam kết chi 124 tỷ USD cho dự án Con đường Tơ lụa nhằm mở rộng mạng lưới kết nối châu Á, châu Phi, châu Âu và nhiều khu vực khác.

Hồi đầu năm nay, chiến lược quốc phòng quốc gia mới của Mỹ đã liệt Trung Quốc và Nga vào trọng tâm đáng quan ngại của quân đội nước này. Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự thế giới hiện thời để thiết lập một trật tự mới theo mô hình chính quyền Bắc Kinh.

Đây là lý do, Tướng Waldhauser cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Phi cần được xem xét lại để phù hợp với những động thái mới ở Trung Quốc trong khu vực.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-nam-cang-bien-chien-luoc-quan-doi-my-hung-hau-qua-lon-post255722.info