Trung Quốc - Mỹ và cuộc đối đầu xung quanh các vấn đề của sông Mê Kông

Trong cuộc đối đầu này chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất dần đi ảnh hưởng dù rằng chính quyền vẫn duy trì nguồn tài chính dành cho môi trường và các chương trình phát triển

Ảnh: Reuters

Sông Mê Kông đã trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia môi trường và nhiều quan chức. Bắc Kinh đang vượt qua Washington trong cả việc chi tiêu cũng như tầm ảnh hưởng với các nước ở hạ nguồn nhằm nắm kiểm soát các dòng sông.

Theo báo Reuters,trong cuộc đối đầu này chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất dần đi ảnh hưởng dù rằng chính quyền vẫn duy trì nguồn tài chính dành cho môi trường và các chương trình phát triển giống như thời kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc giờ đây đang chuyển sang mảng khoa học: chính phủ Mỹ và Trung Quốc không ngừng công bố những báo cáo về việc liệu 11 con đập của Trung Quốc có đang ảnh hưởng đến hạ lưu dòng chảy.

Những con đập của Trung Quốc giúp cho Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lớn với những khu vực dọc dòng sông Mekong như Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Nhóm các nước này cho đến nay vốn phụ thuộc nhiều vào dòng sông Mekong để có nguồn nước cho nông nghiệp, nguồn thủy sản, trong trường hợp của Lào, Lào cũng cần đến sông Mê Kông để có đủ điện.

Tình trạng của sông Mê Kông là mối lo lớn với khoảng 60 triệu người phụ thuộc vào dòng sông này để canh tác nông nghiệp và có nguồn thủy sản. Sông Mê Kông chảy qua địa phận Trung Quốc vào đến Đông Nam Á rồi qua khu vực đồng bằng của Việt Nam.

Trong năm ngoái, hạn hán đã lên cao kỷ lục, mức nước tại khu vực hạ nguồn sông Mê Kông thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Số lượng cá đánh bắt được đã giảm dần qua các năm, ngoài ra kích cỡ cá cũng nhỏ đi.

Theo một đại sứ Mỹ trong khu vực, Trung Quốc đã trữ nước trong 11 con đập trên thượng nguồn của con sống dài 4.350 kilomet, gây tổn hại đến sinh kế của hàng triệu người ở khu vực hạ nguồn.

Trung Quốc cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động của Cơ chế Hợp tác Mê Kông Lan Thương, một tổ chức liên chính phủ mới mà theo quan điểm của phía Mỹ là đang cố gắng làm lu mờ ảnh hưởng của Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) đã có tuổi đời 25 năm hoạt động.

Ủy ban MRC có nguồn gốc từ việc phía Mỹ muốn đẩy mạnh phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. MRC làm việc với chính phủ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam để đẩy mạnh việc chia sẻ và phát triển bền vững của con sông cũng như tài nguyên của nó.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng tuyên bố của phía Mỹ về việc Bắc Kinh đang cố chiếm đóng Mê Kông là thiếu căn cứ: “Những nước bên ngoài khu vực cần tránh gây ra quá nhiều rắc rối trong khi thực tế mọi chuyện chẳng có gì”.

Vào tháng 4/2020, tình trạng đối đầu Mỹ - Trung Quốc đã trở thành khẩu chiến sau khi một nghiên cứu được công bố bởi Washington kết luận rằng những con đập của Trung Quốc đã giữ quá nhiều nước trong đợt hạn hán năm ngoái.

Đến tuần trước, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc công bố nghiên cứu của Trung Quốc bác bỏ báo cáo của phía Mỹ. Họ khẳng định các con đập của Trung Quốc đã giúp làm giảm đi tình trạng hạn hán trên khu vực Lan Thương – Mê Kông.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//the-gioi/trung-quoc-my-va-cuoc-doi-dau-xung-quanh-cac-van-de-cua-song-me-kong-3549157.html