Trung Quốc muốn bắt tay EU dạy Mỹ bài học: Ảo tưởng?

Mỹ và EU gắn bó chặt chẽ với nhau về lợi ích, dẫu có lúc căng thẳng nhưng không có chuyện EU bắt tay Trung Quốc đối phó với Mỹ.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ áp thêm thuế 10% với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu họ “không chịu thay đổi” theo yêu cầu của Mỹ.

Trong một bài viết ngày 18/6, tờ báo Trung Quốc China Daily khẳng định Mỹ đã tuyên bố chiến tranh thương mại, và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hợp sức để “dạy Mỹ một bài học”.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), kịch bản Trung Quốc bắt tay EU để dạy Mỹ một bài học khó xảy ra, nếu không nói là ảo tưởng.

Đi sâu phân tích cụ thể, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận xét, việc báo chí Trung Quốc kêu gọi EU liên kết với Trung Quốc để đối phó với Mỹ hoàn toàn có thể là ẩn ý đằng sau của chính quyền nước này. Thế nhưng thay vì thông qua kênh ngoại giao chính thức, Trung Quốc sử dụng kênh thứ hai - kênh không chính thức để thăm dò dư luận, xem châu Âu và Mỹ phản ứng thế nào.

"Đây là một cách rất khôn ngoan của Trung Quốc. Trước đây, trong nhiều sự vụ, vấn đề, Trung Quốc cũng thường để cho kênh báo chí và nhà khoa học, giới học giả lên tiếng. Trong sự việc này cũng vậy, họ sử dụng kênh không chính thức này để thử phản ứng của Mỹ và châu Âu.

Nếu Mỹ, châu Âu hay quốc gia nào phản ứng thì Trung Quốc sẽ nói đây là những ý kiến vô thưởng vô phạt của giới khoa học, truyền thông Trung Quốc, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có ý kiến", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận xét.

Báo Trung Quốc kêu gọi EU bắt tay Trung Quốc để dạy Mỹ một bài học

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng cho rằng, châu Âu có thể gặp Trung Quốc về lợi ích trong việc đấu tranh với Mỹ trên lĩnh vực thương mại thế nhưng châu Âu không thể hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong cuộc đấu với Mỹ. Lý do là mối quan hệ về kinh tế giữa Mỹ và châu Âu là lịch sử, chặt chẽ, tốt đẹp và hiện nay mối quan hệ ấy vẫn khá bền chặt.

Tương tự, trong vấn đề an ninh - chính trị, nhiều ý kiến cho rằng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang khủng hoảng. Nhưng theo tướng Cương, đúng là mối quan hệ ấy có chòng chành, căng thẳng nhưng để đến giai đoạn khủng hoảng thì chưa phải. Đối với Trung Quốc và Nga, Mỹ và châu Âu vẫn là một trên lĩnh vực chính trị, an ninh.

"Vì lẽ đó, tôi không tin rằng Trung Quốc và châu Âu có thể bắt tay đấu với Mỹ. Châu Âu không thể đùa được với Mỹ. Dù ý đồ Trung Quốc là vậy nhưng châu Âu không sẵn sàng lao vào canh bạc này vì lợi ích của họ là tối thượng. 80% lợi ích của châu Âu nằm ở Mỹ, 20% nằm ở Trung Quốc, vì vậy họ không dại gì đánh đổi", Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Đối với Mỹ, vị chuyên gia về quan hệ quốc tế cho rằng, giới tinh hoa của nước này thừa tỉnh táo để nhận ra rằng không thể có chuyện Trung Quốc hợp tác EU đối phó với Mỹ. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhà kinh tế lọc lõi, thừa ngôn ngoan để hiểu và không bao giờ để chuyện này xảy ra.

"Mỹ có thể bị dạy một bài học không? Đó là ảo tưởng. Tôi nhớ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra cách đây 10 năm, một số học giả nói rằng chỉ có Trung Quốc mới cứu được nền kinh tế thế giới. Đó là một sự ngây thơ, kinh tế gắn liền với chính trị, Trung Quốc không bao giờ làm việc ấy.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ 370 tỷ USD và Trung Quốc đang nắm 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, như vậy Mỹ nợ Trung Quốc, Trung Quốc ở thế trên. Đó cũng là một sự ấu trĩ.

Trong canh bạc giữa người đi vay và người cho vay, lợi thế thương mại chưa chắc đã thuộc về người cho vay. Trong cuộc mặc cả này, nếu chiến tranh thương mại xảy ra, Mỹ chẳng mất gì, trong khi Trung Quốc mất rất nhiều.

Nhiều người đã quên mất một thông tin kinh tế quan trọng, đó là: 60% dự trữ ngoại tệ trên thế giới bằng đồng USD, chỉ có khoảng 3% dự trữ bằng đồng nhân dân tệ. Đây chính là sức mạnh của Mỹ. Chỉ khi nào 40% dự trữ ngoại tệ thế giới bằng đồng nhân dân tệ và 40% dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD thì mới có thể nói Trung Quốc muốn chèn ép Mỹ thế nào thì làm", ông Cương phân tích.

Nhìn vào những diễn biến căng thẳng trong thương mại Mỹ-Trung, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng không thể xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước.

"Xét riêng về mặt kinh tế phải nể Donald Trump. Tổng thống Trump là một nhà kinh doanh từng trải, lọc lõi, kiếm được hàng tỷ USD, lại là người của công chúng, không hề kém cỏi chút nào. Những nhận định của ông Trump về Trung Quốc đều trúng. Tất nhiên, nếu Trump nói 10 thì có lẽ chỉ thực hiện được 3-4 vì sức mạnh Mỹ hiện nay không áp đảo được Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn ở thế trên.

Lịch sử cho thấy, chỉ khi nào chắc thắng Trung Quốc mới làm. Vì thế, Trung Quốc quyết tâm bằng mọi cách để không xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, vì nếu kịch bản ấy xảy ra, kiểu gì Trung Quốc cũng thua.

Tương tự, Mỹ cũng có mặt yếu nên cũng không để xảy ra chiến tranh thương mại. Hai bên chỉ cãi vã, gây sức ép cho nhau, rồi cuối cùng sẽ ngồi vào bàn đàm phán và nhân nhượng nhau", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/trung-quoc-muon-bat-tay-eu-day-my-bai-hoc-ao-tuong-3360343/