Trung Quốc mừng lớn khi Ấn Độ thú nhận LCA kém MiG-21?

Tiêm kích Tejas thuộc chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA của Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ rất cao.

Tiêm kích hạng nhẹ HAL Tejas nằm trong Dự án LCA của Ấn Độ đã trải qua hơn 3 thập kỷ nghiên cứu phát triển, nó nhận kỳ vọng là sẽ chẳng thua kém chiến đấu cơ thế hệ 4 nào trên thế giới, đi kèm với mức giá rất rẻ để có thể sản xuất hàng loạt, vừa thay thế phi đội MiG-21 già nua, vừa xuất khẩu cho đối tác nước ngoài.

Nhưng đáng tiếc rằng tình trạng của LCA cũng giống như nhiều chương trình vũ khí khác của Ấn Độ, thời gian đánh giá quá dài khiến nó sẽ bị lạc hậu ngay khi mới chính thức đi vào biên chế.

Mới đây, chính Không quân Ấn Độ đã lên tiếng phàn nàn hết lời về chiếc tiêm kích hạng nhẹ này, cho rằng nó còn kém cả "ông già gân" MiG-21 tuổi đời đã hàng chục năm và đề nghị chính phủ nước này hãy mạnh dạn hủy dự án.

Tiêm kích hạng nhẹ Tejas thuộc chương trình LCA đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ

Quan điểm của Không quân Ấn Độ cho rằng thay vì tốn tiền và thời gian đầu tư cho LCA thì nên dành số tiền đó mua hoặc thuê tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ và phương Tây như F-16 Fighting Falcon hay JAS 39 Gripen, nhất là khi số lượng các phi đội của IAF sụt giảm mạnh còn tình hình biên giới ngày càng nóng lên.

IAF thông báo thời gian hoạt động trên không của Tejas chỉ vỏn vẹn 1 giờ, trong khi con số này ở JAS 39 là 3 giờ còn F-16 thậm chí lên tới 4 giờ. Như vậy hiệu suất của Tejas rõ ràng còn không bằng MiG-21.

Tải trọng vũ khí là nhược điểm khác, Tejas chỉ mang được tối đa 3 tấn, độ bền khung thân không quá 20 năm hay 2.000 giờ bay.

Thông số này ở JAS 39 là 6 tấn và F-16 là 7 tấn, khung máy bay có tuổi thọ 40 năm, tương đương trên 6.000 giờ bay.

LCA Tejas là một chương trình phát triển vũ khí đang đi vào ngõ cụt

Ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ mong muốn sẽ bán được 123 chiến đấu cơ loại này cho IAF, nhưng kể cả khi mọi việc tiến triển thuận lợi thì năng lực sản xuất của họ cũng bị đặt dấu hỏi lớn vì mốc thời gian từ nay cho tới 2025 là không thể đối với họ.

Trước thực tế trên, Không quân Trung Quốc và nhất là Pakistan đã thể hiện một thái độ rất vui mừng, đặc biệt là khi mang ra so sánh với chiếc JF-17 Thunder mà hai đồng minh trên cùng hợp tác chế tạo.

Thời gian phát triển ngắn hơn nhiều nhưng JF-17 hiện đã vào biên chế Không quân Pakistan và còn xuất khẩu tới một số quốc gia Đông Nam Á hay Nam Á, điều mà HAL Tejas chưa thực hiện được.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/trung-quoc-mung-lon-khi-an-do-thu-nhan-lca-kem-mig-21-3347472/