Trung Quốc mời đàm phán Biển Đông song phương, Malaysia nói không

Trung Quốc muốn thúc đẩy đàm phán song phương các vấn đề Biển Đông thay vì có ASEAN tham gia. Ngoại trưởng Malaysia đã từ chối và yêu cầu phải làm đối thoại theo nhóm.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc thời gian qua thúc đẩy Malaysia giải quyết các vấn đề trên Biển Đông theo "cơ chế tham vấn song phương", mặc dù Bắc Kinh từng thống nhất cùng ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc chung về Ứng xử trên Biển Đông (COC). Bản dự thảo đầu tiên theo kế hoạch cần được hoàn thiện trước cuối năm 2019.

Dẫn một nguồn thạo tin về quan hệ Malaysia - Trung Quốc, tờ South China Morning Post cho biết Bắc Kinh muốn sử dụng cùng cách tiếp cận với Manila thời gian qua. Kể từ năm 2017 khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền, Phililppines và Trung Quốc đã thiết lập cơ chế họp song phương cấp thứ trưởng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Nguồn tin nhận định phía Malaysia không muốn theo đuổi cơ chế giải quyết tương tự Philippines. Người này mô tả chính sách đàm phán song phương của Trung Quốc không khác gì chiến thuật "chia để trị" nhằm đối phó với những nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh: AP.

"Trung Quốc luôn muốn trao đổi riêng lẻ với từng nước, đến khi các nước họp lại cùng nhau thì họ không còn gì để thảo luận và buộc phải ủng hộ những gì Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán", nguồn tin này cảnh báo.

Đầu tuần qua, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng đánh giá tương tự về tình hình đàm phán các vấn đề Biển Đông. Ông nhấn mạnh Kuala Lumpur muốn giải quyết các tranh chấp thông qua cơ chế đa phương chứ không đối thoại riêng với Bắc Kinh.

"Malaysia vẫn kiên trì với những biện pháp lấy ASEAN làm trung tâm và làm việc với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông", Ngoại trưởng Saifuddin trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh BFM 89.9.

"Trung Quốc đang đề nghị gần như mọi nước thành viên trong ASEAN, ngoại trừ một số ít trường hợp như Myanmar, đàm phán về vấn đề này theo hướng song phương. Tuy nhiên, Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi luôn nói với Bắc Kinh rằng sẽ thảo luận về Biển Đông trên nền tảng nhóm", ông nói.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, tổ chức ở Singapore vào ngày 14/11/2018. Ảnh: Reuters.

Zhang Mingliang, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Tế Nam thuộc tỉnh Quảng Châu, nói tình trạng leo thang đối đầu với Mỹ đang tạo sức ép buộc Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước láng giềng.

Tuy nhiên, kế hoạch đàm phán song phương để xoa dịu bất đồng có thể vấp phải phản ứng cứng rắn từ Malaysia.

"Với sức ép khổng lồ từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần tạo sự ổn định ở các nước láng giềng và tránh chịu thêm chỉ trích", Zhang nhận định.

"Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia hiểu rõ tình hình và ý thức được hiện nay họ có nhiều đòn bẩy mặc cả hơn với Trung Quốc. Đàm phán song phương chỉ tự đẩy họ vào thế bất lợi", ông nói.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-moi-dam-phan-bien-dong-song-phuong-malaysia-noi-khong-post947749.html