Trung Quốc mở rộng nhà xưởng, tăng tốc độ đóng tàu chiến

Nhà máy đóng tàu Giang Nam đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 64% so với trước nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội quy mô lớn, trong khi Mỹ gặp khó khăn về hoạt động bảo trì.

Một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng quy mô trong thập kỷ qua, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội quy mô lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nhà máy đóng tàu Giang Nam tại cửa sông Trường Giang ở Thượng Hải đã mở rộng quy mô nhà xưởng tới 64% so với thời điểm được đưa vào hoạt động trong năm 2008.

“Nhà máy đóng tàu Giang Nam chịu trách nhiệm xây dựng một số tàu chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc. Các chiến hạm đóng mới tại nhà máy này là một phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc”, chuyên gia Matthew Funaiole, thành viên CSIS, nói với CNN.

Tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, hình ảnh vệ tinh cho thấy một số tàu chiến mới và tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc, bao gồm một số tàu khu trục mang tên lửa điều khiển Type-055, tàu chiến được đánh giá lớn và nguy hiểm nhất châu Á.

Mở rộng nhà xưởng, tăng công suất

Nhà máy đóng tàu Giang Nam được chuyển từ trung tâm Thượng Hải đến vị trí hiện tại vào đầu năm 2005. Theo phân tích đầu tiên của CSIS vào năm 2011, quy mô nhà máy lúc đó khoảng 7 km2. Nhưng trong năm 2018, quy mô nhà máy đã mở rộng lên đến 11,5 km2.

Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở thời điểm năm 2011 (trái) và năm 2018. Ảnh: CSIS/CNN.

Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở thời điểm năm 2011 (trái) và năm 2018. Ảnh: CSIS/CNN.

Theo CSIS, 2 khu vực sản xuất bổ sung đã được hoàn thành, trong khi một cơ sở chế tạo mới và có thể là khu vực tích nước đang được xây dựng. Trong năm 2018, CSIS đã tập trung quan sát nhà máy đóng tàu Giang Nam, nhận thấy hoạt động ở nhà máy này rất nhộn nhịp, bao gồm 5 tàu khu trục Type-052D và ít nhất 2 tàu khu trục Type-055 đang được hoàn thiện tại đây.

Trong số các loại tàu đang được đóng mới tại nhà máy Giang Nam còn có tàu phá băng Tuyết Long (Xue Long) 2. Dù chưa hoàn thành, con tàu sẽ là một phần quan trọng trong tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích nhận định việc mở rộng quy mô nhà máy đóng tàu Giang Nam có thể là để phục vụ việc đóng mới tàu sân bay Type-002. Chuyên gia Funaiole cho biết nhà máy đóng tàu Giang Nam cần được theo dõi trong năm 2019.

Trong khi đó, báo South China Morning Post của Hong Kong cho biết nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) đang chạy đua với thời gian để đưa tàu sân bay Liêu Ninh trở lại hoạt động. Cùng lúc, nhà máy Đại Liên phải gấp rút hoàn tất quá trình thử nghiệm tàu sân bay nội địa Type-001 để đưa vào vận hành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10).

Các nguồn tin thân cận với CSIC cho biết công ty đang chịu áp lực rất lớn trong việc bàn giao 2 tàu sân bay đúng lịch trình, đặc biệt là sau khi ông Tôn Ba bị cách chức tổng giám đốc và truy tố. Ông Tôn bị cáo buộc làm gián điệp và có thể đối mặt với án tử hình.

Tàu sân bay nội địa Type-001 đang được gấp rút hoàn thành để bàn giao cho hải quân. Ảnh: Sina.

Tàu sân bay Liêu Ninh đang trải qua quá trình sửa chữa lớn đầu tiên kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2012. Đây vốn là hàng không mẫu hạm Varyag chưa hoàn thành của Liên Xô được Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998.

Type-001 là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới tại Trung Quốc. Tàu sân bay này dự kiến tiến hành thử nghiệm trên biển lần thứ 4 trong những ngày tới. Một số hình ảnh về Type-001 đăng trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy một trực thăng và một tiêm kích J-15 trên boong.

Theo một báo cáo của chính phủ Mỹ, trong một chiến dịch phối hợp ở Bắc Kinh được thúc đẩy bởi Chủ tịch Tập để nhanh chóng mở rộng quy mô hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc, 32 tàu chiến mới đã được đưa vào hoạt động trong năm 2016 và 2017.

Phát biểu từ đài chỉ huy của tàu khu trục Trường Sa trong tháng 4, ông Tập cho biết nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quân Trung Quốc hùng mạnh “chưa bao giờ khẩn cấp đến thế” và cam kết kế hoạch đưa hải quân Trung Quốc thành lực lượng tầm cỡ thế giới.

Hải quân Mỹ trong tình trạng ảm đạm

Sự gia tăng nhanh chóng số lượng tàu chiến ở Trung Quốc đã được sử dụng để so sánh với Mỹ. Mặc dù có lợi thế về chất lượng, hạm đội tàu chiến của Mỹ đang gặp phải rất nhiều vấn đề trong những năm gần đây.

Hai vụ va chạm chết người của tàu khu trục Mỹ trong năm 2017 đã làm tổn hại danh tiếng của lực lượng hải quân số 1 thế giới. Trong khi đó, theo một số báo cáo của chính phủ, phải mất nhiều năm để sửa chữa các nhà máy đóng tàu đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tàu khu trục USS John S. McCain bị thủng một lỗ lớn và khiến 10 thủy thủ thiệt mạng sau va chạm với tàu chở dầu ngoài khơi Singapore vào tháng 8/2017. Ảnh: CNN.

“Các tàu được hạ thủy ở Trung Quốc ngày càng có thiết kế hiện đại. Quy mô hải quân Trung Quốc hiện đã lớn hơn so với hạm đội đang hoạt động của Hải quân Mỹ. Khoảng cách có thể tiếp tục được mở rộng trong những năm tới”, ông Funaiole nói.

Theo báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) trong năm 2017, các cơ sở sửa chữa và đóng tàu của Hải quân Mỹ đang ở trong tình trạng tồi tệ. Quá trình bảo trì tàu chiến Mỹ thường xuyên bị chậm tiến độ và chỉ 30% hoàn thành đúng thời hạn kể từ năm 2012.

Rất nhiều tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay không thể hoạt động vì chờ bảo trì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng triển khai lực lượng của Mỹ. Báo cáo của GAO nhận định việc khôi phục lại các cơ sở đóng tàu ở Mỹ có thể kéo dài đến 19 năm.

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tăng số lượng tàu chiến từ 285 ở hiện tại lên 355 vào năm 2048. Tuy nhiên, báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội công bố vào tháng 10 cho biết để đáp ứng mục tiêu đó, Hải quân Mỹ cần ngân sách đóng mới cao hơn 80% so với mức trung bình mà họ đã nhận trong 30 năm qua.

Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn bảo lưu quan điểm rằng ưu thế của Hải quân Mỹ vẫn vượt trội so với Trung Quốc. Bất chấp hạm đội tàu chiến Trung Quốc vươn lên về số lượng, Hải quân Mỹ sở hữu những chiến hạm lớn và tốt hơn.

Các nhà phân tích Ian Livingston và Michael O'Hanlon của Viện Brookings từng viết trên blog của viện rằng: “Nếu Hải quân Mỹ coi trọng số lượng hơn chất lượng, họ có thể đóng nhiều tàu chiến nhỏ hơn với cùng ngân sách. Nhưng không, Mỹ coi trọng kích thước, chất lượng và vũ khí của tàu hơn là số lượng của chúng”.

Hình ảnh tàu sân bay tự sản xuất đầu tiên của Trung Quốc chạy thử Tàu sân bay Type-001A do Trung Quốc tự sản xuất đã được chạy thử nghiệm hôm 13/5. Cùng với Liêu Ninh, Type-001A thể hiện tham vọng hàng hải ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-mo-rong-nha-xuong-tang-toc-do-dong-tau-chien-post902465.html