Trung Quốc mở cửa ngành tài chính đón các ngân hàng nước ngoài

Khi cuộc đàm phán Mỹ-Trung vào giai đoạn cuối, xem ra Trung Quốc nhượng bộ Mỹ khi công bố một loạt biện pháp nhằm mở rộng cửa ngành tài chính cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm nước ngoài.

Theo một số người nắm thông tin về cuộc đàm phán Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn có nhanh một thỏa thuận với Trung Quốc, để có thể tuyên bố vào cuối tuần tới.

 Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp ngày 1/5. Ảnh: AFP.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp ngày 1/5. Ảnh: AFP.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1/5, hạn mức đầu tư vào ngân hàng thương mại Trung Quốc của cổ đông đơn lẻ cả trong lẫn ngoài nước sẽ được xóa bỏ. Đến cuối năm 2019, ngân hàng nước ngoài không còn phải chịu quy định sở hữu tài sản tối thiểu 20 tỉ USD để đăng ký mở chi nhánh tại Trung Quốc nữa. Cũng không còn qui định chỉ liên doanh thuộc đơn vị Trung Quốc hay cổ đông Trung Quốc chiếm đa số mới được phép hoạt động như tổ chức tài chính.

Ngoài ra, tổ chức tài chính nước ngoài sắp có thể đầu tư vào công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, ngân hàng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc có thể thực hiện giao dịch từ đồng Nhân dân tệ sang ngoại tệ. Hiện thị trường tài chính Trung Quốc đạt trị giá 44 ngàn tỉ USD.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, sẽ dẫn đoàn đàm phán Trung Quốc đến Mỹ đàm phán từ ngày 8/5, và đây có thể là vòng đàm phán cuối cùng. Ông Myron Brilliant, quan chức phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói cuộc đàm phán “chắc chắn đang ở giai đoạn cuối”, 95% các vấn đề đã được giải quyết xong.

Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) khẳng định mở cửa lĩnh vực tài chính xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế nội tại, nhưng các nhà phân tích đánh giá đây là một nỗ lực tránh bất kỳ sự suy diễn rằng đó là động thái nhượng bộ Mỹ nhằm tăng khả năng đạt thỏa thuận để kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất- nhì thế giới kéo dài, gây tốn kém hàng tỉ USD, làm rúng động thị trường tài chính thế giới và gây đình trệ cho nguồn cung ứng hàng hóa.

Trung Quốc vài năm qua nhiều lần cam kết tăng tốc độ tự do hóa thị trường tài chính và cởi mở hơn với thực thể nước ngoài. Năm 2018, CBIRC hủy sự hạn chế người nước ngoài làm chủ các nhà cho vay Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế tiến trình này diễn ra khác chậm chạp, nhiều công ty nước ngoài mất thị phần hoặc không thể phát triển kinh doanh do các hạn chế mà chính quyền Trung Quốc đặt ra.

Tổng giá trị tài sản mà các ngân hàng nước ngoài có ở Trung Quốc đã giảm từ năm 2007, khi phần chia của ngành bảo hiểm chỉ tăng chậm trong thời gian đó. Năm 2007, các ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 2,38% trong tổng tài sản ngân hàng của Trung Quốc, các công ty bảo hiểm nước ngoài cũng chỉ chiếm 6,24%. Đến năm 2019, phần chia của ngân hàng nước ngoài giảm còn 1,64% trong tổng tài sản của ngành này, trong khi phần chia của công ty bảo hiểm nước ngoài tăng nhẹ lên 6,36%, theo số liệu của CBIRC.

Bà Amy Yuan Zhuang, nhà phân tích trưởng của Nordea nói việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc sẽ có lợi cho nền kinh tế nước này. Nhưng bà tin rằng dù CBIRC có sự linh động cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm nước ngoài, thì tốc độ cải cách sẽ rất cẩn trọng: “Mở cửa cho nước ngoài sẽ có thêm những sản phẩm tài chính cho các công ty và cá nhân. Lĩnh vực tài chính Trung Quốc là một công cụ quan trọng cho chính phủ Trung Quốc kích cầu kinh tế, đồng thời kiểm soát các rủi ro tài chính”.

Theo nhà kinh tế học Đinh Sảng làm việc cho Ngân hàng Standard Chartered: “Tôi nghĩ các biện pháp mới đều đã được đề cập trong đàm phán. Trung Quốc muốn tỏ ý chân thành nên công bố chúng trước lúc chính thức đạt thỏa thuận cuối cùng”.

Nhà phân tích Nick Marro thuộc tổ chức The Economist Intelligence Unit (EIU) cũng tin rằng chính sức ép từ đàm phán buộc Trung Quốc phải mở cửa lĩnh vực tài chính. Ông nói: “Chế độ kiểm soát vốn mạnh mẽ của Trung Quốc, cũng như các hạn chế về chia sẻ dữ liệu và ủy thác mua sắm công nghệ trong nước, sẽ đặt ra thách thức cho các công ty tài chính nước ngoài trong việc tiếp cận hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Dù các động thái này là những bước tiến tích cực, nhưng chúng không loại bỏ nhiều trở ngại hiện có khác mà các ngân hàng và công ty bảo hiểm nước ngoài phải đối mặt”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/trung-quoc-mo-cua-nganh-tai-chinh-don-cac-ngan-hang-nuoc-ngoai-163114.html