Trung Quốc miễn phí xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19

Khi virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới, Trung Quốc đã để lại một kinh nghiệm cho các quốc gia khác trong việc chống lại dịch bệnh này, đó là 'sẵn sàng trả phí để bệnh nhân được xét nghiệm và điều trị'.

Trung Quốc ghi nhận 19 trường hợp mắc COVID-19 hôm 10/3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc ghi nhận 19 trường hợp mắc COVID-19 hôm 10/3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đã bùng phát ở hơn 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Italy, Iran và Hàn Quốc đang trở thành những khu vực tâm điểm vì số người nhiễm gia tăng báo động.

Italy đã ghi nhận trên 10.000 trường hợp nhiễm bệnh, vượt qua Hàn Quốc và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài Trung Quốc. Mỹ cũng đã chứng kiến số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng khi các cơ quan y tế xóa bỏ một số lệnh kiểm soát hạn chế khả năng xét nghiệm cho căn bệnh truyền nhiễm này.

Trong khi đó, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang dần dịu đi, chỉ có 19 ca nhiễm mới được xác nhận vào hôm 10/3. Theo Tạp chí Quản lý bệnh viện Trung Quốc, chi phí cho mỗi lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc là khoảng 370 nhân dân tệ (1,2 triệu đồng). Tại thành phố Thâm Quyến, chi phí điều trị bệnh trung bình dao động từ 23.000 nhân dân tệ (77 triệu đồng) đối với bệnh nhân cao tuổi và khoảng 5.600 nhân dân tệ (18,7 triệu đồng) đối với trẻ vị thành niên.

Một số phương pháp điều trị của Trung Quốc - như oxy hóa máu nhân tạo trong khoảng thời gian giới hạn – rất tốn kém nhưng đều được chính phủ chi trả. Cụ thể, Trung Quốc đã chi 110.48 tỷ nhân dân tệ để điều trị, trợ cấp cho nhân viên y tế và trang bị các thiết bị y tế.

Tại Mỹ, nhiều người dân đang vô cùng lo lắng về chi phí xét nghiệm khi số ca tử vong tại nước này đã tăng lên 26 người với 1.100 trường hợp nhiễm bệnh.

Chính phủ Mỹ sẽ chi trả toàn bộ phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các phòng thí nghiệm được chỉ định, nhưng người dân sẽ phải chịu các chi phí khổng lồ khác, khoảng hơn 3.200 USD. Nhóm vận động hành lang thuộc Chương trình Bảo hiểm Sức khỏe Mỹ cho biết các cá nhân cần phải liên hệ với các nhà cung cấp bảo hiểm của họ để biết mức chi trả khi điều trị COVID-19.

Tính đến 10/3, chỉ có 1.707 bệnh nhân đã được xét nghiệm bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệch quốc gia. Nhiều xét nghiệm cũng có thể được thực hiện tại các phòng y tế công cộng cấp thấp hơn nhưng số lượng người nhiễm bệnh đến xét nghiệm vô cùng đông.

Còn tại Hàn Quốc – quốc gia ghi nhận 7.513 bệnh nhân mắc COVID-19 hôm 10/3 – tuyên bố vào tháng 1 rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả mọi chi phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân. Nước này cũng đã mở thêm nhiều trung tâm xét nghiệm, bao gồm cả dịch vụ xét nghiệm cho tài xế với khoảng 15.000 người được xét nghiệm mỗi ngày.

Nhật Bản vào tháng 2 cũng đã xác định COVID-19 là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và chính phủ nước này có trách nhiệm thanh toán toàn bộ hóa đơn viện phí cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ảnh: THX

Tại Anh, khoảng 18.000 người cũng đã được xét nghiệm miễn phí kể từ tháng trước, và đã có 319 người được xác nhận đã nhiễm bệnh. Giáo sư Dirk Pfeiffer, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa học Thú y và Khoa học Đời sống One Health thuộc Đại học City, cho rằng khả năng chi trả chi phí xét nghiệm và điều trị sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

“Rõ ràng là dù ở bất kỳ đâu bạn cũng phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe, nhưng những người có triệu chứng nhẹ thuộc nhóm thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến cơ sở chăm sóc sức khỏe, ngay cả khi họ có nhiễm bệnh nặng vì họ không có khả năng chi trả. Điều đó sẽ khiến dịch bệnh bùng phát”, Giáo sư Pfeiffer nói.

Ông Ni Feng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Mỹ có những điều kiện khác nhau và có thể hiểu rằng họ đã sử dụng các chiến lược khác nhau để đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, thành công bước đầu của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể trở thành cơ hội tốt cho nhiều quốc gia cùng học hỏi.

“Đây là khu vực ít nhạy cảm nhất, có nhiều lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác. Chúng tôi đã thấy sự hợp tác vững chắc trong quá khứ khi đối phó với dịch SARS, H5N1 và H7N9”, ông Ni cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-mien-phi-xet-nghiem-va-dieu-tri-cho-benh-nhan-mac-covid19-20200311110958481.htm