Trung Quốc mềm mỏng, cam kết tăng nhập khẩu, giảm thuế quan

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại, bài phát biểu của ông Tập có phần mềm mỏng hơn...

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) 2019 ở Thượng Hải sáng 5/11 - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) 2019 ở Thượng Hải sáng 5/11 - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/11 nhắc lại cam kết của nước này với mở cửa kinh tế và trật tự thương mại toàn cầu, trong lúc các nhà đàm phán thương mại nước này chuẩn bị hoàn tất thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Mỹ.

"Trung Quốc sẽ đề cao hơn nữa tầm quan trọng của nhập khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục hạ thuế quan và chi phí giao dịch", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Tập trong bài phát biểu khai mạc Hội chợ Xuất khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) ở Thượng Hải. "Chúng ta cần đặt lợi ích của nhân loại lên trên hết, thay vì đặt lợi ích của riêng một ai đó lên lợi ích chung".

Giới quan sát nhận định phát biểu này của ông Tập nhất quán với nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ trật tự thương mại đa phương vào thời điểm mà Mỹ trở nên kém mặn mà với những định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Tập nói Trung Quốc sẽ "chỉ mở rộng hơn cánh cửa của mình" ra thế giới - một lập trường đáp trả lại những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc theo đuổi bảo hộ thương mại.

Trung Quốc "muốn xóa bỏ những bức tường"

Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh hơn vấn đề nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.

Ngoài ra, tăng nhập khẩu cũng là cách để Trung Quốc giảm thặng dư thương mại, đặc biệt là với Mỹ. Thặng dư thương mại Trung-Mỹ khổng lồ chính là một trong những vấn đề khiến ông Trump bất bình và đi tới châm ngòi thương chiến với Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu khai mạc CIIE 2018, ông Tập nói nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt tổng cộng hơn 30 nghìn tỷ USD trong 15 năm, cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng năm hiện nay của Trung Quốc có tăng so với trước kia. Nhưng theo Bloomberg, trong năm nay, nhập khẩu các tháng của Trung Quốc hầu như đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 9, nhập khẩu của nước này giảm 5% so với cùng kỳ 2018.

Trong bài phát biểu, ông Tập kêu gọi hội nhập kinh tế sâu hơn và tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng ký kết các thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) tiêu chuẩn cao với thêm nhiều quốc gia nữa. "Chúng ta cần xóa bỏ những bức tường chứ không xây nên những bức tường. Chúng ta cần kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. Chúng ta cần tiếp tục xõa bỏ các hàng rào thương mại, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu và cùng nhau thúc đẩy phát triển thị trường", ông Tập nói. "Hội nhập kinh tế là yêu cầu của thời đại".

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ông Tập và ông Trump có thể ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "giai đoạn 1" trong tháng này. Tuy nhiên, thỏa thuận này dự kiến mới chỉ giải quyết được những vấn đề dễ hơn trong mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, bao gồm Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ, giữ ổn định tỷ giá, và tăng cường mở cửa thị trường tài chính. Những vấn đề khó hơn như sở hữu trí tuệ hay trợ cấp doanh nghiệp nhà nước sẽ được dành cho các giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Năm nay là năm thứ hai Trung Quốc tổ chức CIIE, sự kiện nhằm thể hiện mong muốn của nước này dịch chuyển nền kinh tế theo hướng tiêu dùng bằng cách mua thêm hàng hóa của các quốc gia khác. Sự kiện năm nay đón các đoàn đại biểu từ khoảng 63 quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Tập mềm mỏng hơn

Theo một báo cáo ngày 4/11 của Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, CIIE 2018 chứng kiến hàng trăm thỏa thuận và hợp đồng được ký kết, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, nhưng chỉ có rất ít thỏa thuận trong số đó được thực thi. Một nửa trong số doanh nghiệp dự CIIE 2018 được Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc khảo sát nói rằng họ ký được thỏa thuận tại sự kiện, nhưng đa phần cho biết thỏa thuận không được thực hiện vì đối tác rút lui.

"Chúng tôi hy vọng sự kiện năm nay sẽ bổ sung những biện pháp cụ thể để thực thi mở cửa thị trường và tăng đầu tư nước ngoài, chứ không phải là những lời hứa suông mà chúng tôi từng nghe nhiều", ông Carlo D’Andrea, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc nói.

Theo đánh giá của Bloomberg, bài phát biểu năm nay của ông Tập có phần mềm mỏng hơn bài phát biểu của ông tại CIIE năm ngoái. Trong bài phát biểu trước, ông Tập được cho là ngầm chỉ trích chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, lên án việc sử dụng "luật rừng" và "biến láng giềng thành ăn mày". Khi đó, ông Tập không đề cập cụ thể đến Mỹ hay ông Trump, nhưng phê phán việc theo đuổi các lợi ích đơn phương - điều vốn là cốt lõi trong chủ trương của ông Trump tại các diễn đàn quốc tế.

Chiến tranh thương mại đang gây sức ép lớn lên Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ. Danh sách những mối lo kinh tế hiện nay của Trung Quốc khá dài, từ giảm phát giá nhà sản xuất, hệ thống tài chính mong manh, cho tới giá thực phẩm leo thang vì dịch tả lợn châu Phi.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, khi phát biểu tại một cuộc họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước, ông Tập nói "mức độ nghiêm trọng của những rủi ro mà thách thức mà chúng ta đang đối mặt là chưa từng có tiền lệ".

An Huy

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/trung-quoc-mem-mong-cam-ket-tang-nhap-khau-giam-thue-quan-20191105180554488.htm