Trung Quốc 'mất điểm' sau vụ bắt chủ tịch Interpol?

Lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo người Trung Quốc tại các tổ chức toàn cầu sẽ bị lung lay sau vụ việc liên quan đến Chủ tịch Interpol, theo các nhà phân tích.

Sau vài ngày im lặng, Trung Quốc xác nhận đã bắt giữ Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ về hành vi vi phạm pháp luật.

Đang là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, ông Mạnh đã bị Bắc Kinh điều tra về cáo buộc hối lộ và "gây nguy hiểm nghiêm trọng" cho Đảng và lực lượng cảnh sát nước này.

Trong một cuộc họp hôm 8-10, các quan chức Bắc Kinh nói rằng việc ông Mạnh bị điều tra cho thấy không có trường hợp đặc quyền hoặc ngoại lệ nào trước pháp luật.

Các nhà phân tích bình luận động thái trên của Trung Quốc chứng tỏ không có ai được miễn trừ khỏi chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Thêm vào đó, nó còn dấy lên quan ngại về vai trò của các quan chức Trung Quốc khi nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế, trong đó có Interpol.

Ông Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AP

Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, Paul Haenle, nhận xét sự biến mất đột ngột của ông Mạnh khiến giới phê bình cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo quan trọng trong các tổ chức quốc tế.

"Thật khó để tưởng tượng bất kỳ tổ chức quốc tế nào sẽ chấp nhận để một người Trung Quốc lãnh đạo. Họ có dám chắc điều đó (trường hợp của ông Mạnh) sẽ không xảy ra một lần nữa?" – ông Paul cảnh báo.

Ông Marc Lanteigne, chuyên gia về các tổ chức chính trị và quốc tế Trung Quốc tại Trường ĐH Massey (New Zealand), bình luận: "Điều đó cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc giải quyết điều mà họ xem là nạn tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến những quan chức cấp cao. Điều này cũng gây ra lo ngại các quan chức Trung Quốc và tổ chức khác có thể phải chịu cùng một mức độ giám sát của Bắc Kinh".

Đáp lại, Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trường hợp của ông Mạnh thể hiện quyết tâm duy trì nền pháp trị và Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ nỗ lực phòng chống tội phạm của Interpol.

Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quan tâm đến việc tham gia vào các cơ quan đa phương như Interpol trong những năm gần đây. Công dân Trung Quốc cũng đảm nhận một số vị trí cấp cao tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Trung Quốc sẽ sớm trở thành nước đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách LHQ và hiện cung cấp số lượng binh sĩ gìn giữ hòa bình nhiều nhất cho tổ chức này.

Phạm Nghĩa (Theo SCMP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-mat-diem-sau-vu-bat-chu-tich-interpol-20181008205010251.htm