Trung Quốc mạnh tay kiềm chế các công ty công nghệ lớn

Thời gian qua, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech), nhằm ưu tiên bảo mật dữ liệu và ngăn chặn sự tăng trưởng khó kiểm soát của các công ty công nghệ.

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế các công ty công nghệ lớn. (Nguồn: SCMP)

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế các công ty công nghệ lớn. (Nguồn: SCMP)

Chỉ trong vòng một tuần, Didi Chuxing từ gã khổng lồ công nghệ được yêu thích hàng đầu Trung Quốc, trở thành mục tiêu mới nhất trong cuộc chiến của Bắc Kinh chống lại hành vi độc quyền của các công ty Big Tech.

Ngày 4/7 vừa qua, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) yêu cầu các kho ứng dụng ở nước này gỡ ứng dụng gọi xe của Công ty Didi. Cơ quan này cáo buộc Didi đã “thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng”. Ngày 10/7, CAC đã ra lệnh gỡ bỏ 25 ứng dụng thuộc sở hữu của Didi Global, bao gồm Didi Enterprises và các ứng dụng được thiết kế riêng cho các tài xế Didi.

Thành lập năm 2012, Didi trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi “đá văng” đối thủ Uber ra khỏi thị trường 1,4 tỷ dân. Thống kê tới nay cho thấy, Didi có 493 triệu người dùng thường xuyên và trung bình thực hiện 20 triệu chuyến xe mỗi ngày ở Trung Quốc. Ngoài ra, Didi cũng có mặt ở 16 thị trường khác, bao gồm Australia, Brazil, Nhật Bản, Mexico và Nam Phi.

Đáng chú ý, ngày 2/7, Didi đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 4,44 tỷ USD trên sàn New York. Một ngày sau, cổ phiếu của công ty tăng đột biến và đạt giá trị 80 tỷ USD. Ngày tiếp theo, CAC đã mở một cuộc điều tra an ninh mạng đối với Didi, với cáo buộc công ty đem lại “rủi ro liên quan đến an ninh dữ liệu quốc gia”, khiến cổ phiếu rớt giá thảm hại.

Không nhân nhượng

Cuộc chiến kiềm chế tầm ảnh hưởng Big Tech của Chính phủ Trung Quốc cho đến nay tập trung vào các hoạt động độc quyền. Theo đó, chính phủ cho rằng đây là một nỗ lực để bảo vệ quyền của người tiêu dùng và duy trì sự ổn định tài chính.

Sức nóng phả lên các Big Tech Trung Quốc ngày càng lớn khi hồi tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn huy động vốn bừa bãi.

Didi không phải mục tiêu đầu tiên và có thể sẽ không phải là mục tiêu cuối cùng. Ngay sau Didi, ba công ty công nghệ của Trung Quốc khác cũng bị đặt vào tầm ngắm. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Công ty con Ant Group thuộc Tập đoàn Alibaba cũng bị chính phủ “sờ gáy”.

Ngày 10/4 vừa qua, Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) cho biết, qua cuộc điều tra hồi tháng 12/2020 đã cho thấy, Alibaba đã ngăn cản người buôn bán sử dụng các nền tảng thương mại điện tử khác và bị phạt mức kỷ lục 18,23 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD).

Theo Financial Times, điểm chung của các công ty công nghệ này là đều đã và đang lên kế hoạch niêm yết tại thị trường Mỹ.

Bước đi mới của Bắc Kinh

Vụ việc liên quan đến Didi đã khiến Trung Quốc tập trung vào một vấn đề khác, đó là bảo toàn bảo mật dữ liệu. Theo Quartz, trong quá tình giám sát chống độc quyền, các nhà quản lý nhận ra rằng, dữ liệu do các Big Tech thu thập được tạo ra một lợi thế cạnh tranh không công bằng, đồng thời một số dữ liệu này sẽ được lưu trữ tốt hơn trong các thực thể được giám sát bởi các cơ quan chức năng.

Trong bài viết được đăng tải ngày 4/7, tờ Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh, không một công ty công nghệ nào có quyền trở thành kho dữ liệu thông tin cá nhân lớn hơn chính quyền. Theo đó, bài báo không chỉ là lời cảnh báo các công ty công nghệ khác mà còn phản ánh nỗi lo của chính quyền Trung Quốc về sự lớn mạnh của Big Tech.

Bài viết nêu rõ: “Đối với các công ty như Didi đã niêm yết tại thị trường Mỹ và có cổ đông lớn là các công ty nước ngoài, Trung Quốc nên giám sát chặt chẽ hơn việc bảo mật thông tin để bảo vệ cả an ninh dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia”. Dường như Bắc Kinh đã có một góc nhìn mới, coi việc bảo toàn an ninh dữ liệu là một trong những cách bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo luật Trung Quốc, các công ty chuyển dữ liệu quan trọng ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý sẽ phải đối mặt với hình phạt lên tới 10 triệu NDT (1,54 triệu USD) và có thể buộc phải đóng cửa. Các công ty giao dữ liệu quan trọng cho cơ quan tư pháp hoặc hành pháp nước ngoài mà không có sự chấp thuận trước cũng có thể bị phạt tới 5 triệu NDT.

Tờ Japan Times nhận định, chính phủ Trung Quốc cũng đang muốn kiềm chế quyền lực của một số tỷ phú công nghệ, những người đã tích lũy được sự ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế. Bắc Kinh muốn ngăn các tỷ phú này trở thành một thế lực mạnh như các tập đoàn chaebol (tên gọi của các đại tập đoàn gia đình lớn) đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc và có nhiều ảnh hưởng tới chính trị nước này.

Trên thực tế, không chỉ riêng Trung Quốc, mà cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xây dựng những chính sách nhằm kiềm chế quyền lực của các Big Tech, nhất là các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia. Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh mới nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Big Tech và các nhà mạng Internet, nhất là trong cuộc chiến chống độc quyền.

Những động thái mới nhất của chính phủ Trung Quốc cho thấy rằng, Bắc Kinh sẽ không ngại ngần kiềm chế các Big Tech, trừ khi các công ty này hoạt động một cách minh bạch và tuân thủ luật lệ của đất nước.

Trong thời gian tới, rất có thể sẽ có nhiều công ty công nghệ khác tại Trung Quốc phải hứng chịu những khoản tiền phạt khổng lồ.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-manh-tay-kiem-che-cac-cong-ty-cong-nghe-lon-151650.html