Trung Quốc: Lục đại Hoàng hậu, quý phi chốn hậu cung

Không chỉ có tứ đại mỹ nhân (Tây Thi, Dương Ngọc Hoàn, Vương Chiêu Quân và Điêu Thuyền) mới khiến vua chúa 'say như điếu đổ', mà nhiều người đẹp sau khi vào chốn hậu cung đã khuynh đảo triều chính và những nhân vật dưới đây là minh chứng cho nhận định kể trên.

Muội Hỷ là Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã làm khuynh đảo và diệt vong vương triều nhà Hạ. (Triều đại nhà Hạ bắt đầu từ cuối thế kỷ 22, đầu thế kỷ 21 trước công nguyên đến đầu thế kỷ 17 trước công nguyên, trải qua khoảng 4 thế kỷ cầm quyền - TG). Muội Hỷ là vợ Hạ Kiệt, Vua của nước Hạ. Sau khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, Muội Hỷ đã bộc lộ rõ bản tính của một người đàn bà dâm đãng, phóng túng vô độ, mê hoặc Hạ Kiệt làm nhiều việc sai trái khiến bá tính oán thán.

Khi chưa lấy Muội Hỷ, Hạ Kiệt là một ông vua được nhiều người ca tụng với những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Nhưng kể từ khi ông ta đem lòng yêu mến Muội Hỷ thì mọi chuyện đã đổi khác. Muội Hỷ không những có một sắc đẹp mê hồn, mà còn rất biết cách mê hoặc nên chỉ trong một thời gian ngắn đã được Hạ Kiệt phong làm Vương hậu. Sử sách viết rằng, Muội Hỷ là một trong những người đầu tiên sáng tạo ra 64 phương thức làm tình còn được lưu truyền đến ngày nay.

Để làm vừa lòng mỹ nhân Hạ Kiệt đã cho xây “Kim trụ Ngọc điện” - những cột trụ được dát vàng, còn ngói được làm bằng ngọc. Không dừng lại ở đó, Muội Hỷ còn nghĩ là trò “hồ rượu rừng thịt” để cử hành những trò dâm loạn tập thể nổi tiếng thời bấy giờ. Những việc làm kể trên của Hạ Kiệt và Muội Hỷ đã gây bất bình trong dân chúng cũng như bá quan. Nhiều vị quan và chư hầu đã đứng ra can ngăn, nhưng họ đều bị sát hại. Cuối cùng Hạ Kiệt trở thành một hôn quân hoang dâm, bạo ngược và cuộc khởi nghĩa do Tang Vương lãnh đạo đã nổ ra khiến triều đại nhà Hạ bị diệt vong, Muội Hỷ bị giết, còn Hạ Kiệt bị bắt, lưu đầy tới Nam Sào rồi chết tại đây. Sau khi Hạ Kiệt chết, Tang Vương đã lập nên triều Thương.

Mặc dù đã có bài học của Hạ Kiệt và Muội Hỷ, nhưng Trụ Vương vẫn khiến triều Thương bị sụp đổ chỉ vì dẫm lại vết xe đổ khi tổ chức những cuộc dâm loạn tập thể theo kiểu “hồ rượu rừng thịt” - làm tất cả mọi việc để vừa lòng Đát Kỷ. (Nhà Thương bắt đầu từ đầu thế kỷ 17 trước công nguyên đến thế kỷ 11 trước công nguyên, trải qua khoảng 6 thế kỷ cầm quyền – TG). Người đời sau gọi Trụ Vương là một bạo vương, hôn quân, vô đạo. Sau khi mê mẩn sắc đẹp của Đát Kỷ, Trụ Vương đã bỏ bê triều chính, tối ngày tửu sắc - cho đào “hồ rượu”, xây “rừng thịt” ở Hằng Châu (nay thuộc huyện Kỳ, tỉnh Hà Nam). Mỗi khi tổ chức yến tiệc Trụ Vương bắt khoảng 3.000 người hầu nam và cung nữ khỏa thân để cùng mua vui với Đát Kỷ. Điều đáng nói là Đát Kỷ có một sở thích rất quái ngở – thích nghe tiếng kêu la của phạm nhân khi bị dùng cực hình nên Trụ Vương đã lạm dụng điều này để được nghe và nhìn thấy Đát Kỷ cười. Sự vô đạo của Trụ Vương đã dẫn tới cuộc nổi dậy do Chu Vũ Vương lãnh đạo khiến Đát Kỷ phải treo cổ, còn Trụ Vương bị chết thiêu trong Lộc Đài.

Triều đại Tây Chu đã bị diệt vong chỉ vì “nhất tiếu khuynh quốc”. (Nhà Thương sụp đổ, nhà Chu lên. Tây Chu cầm quyền từ thế kỷ 11 trước công nguyên đến năm 771 trước công nguyên. Sau đó nhà Đông Chu lên thay từ năm 770 trước công nguyên đến năm 256 trước công nguyên - TG). Tương truyền, sự xuất thân của Bao Tự tuy đã ly kỳ, nhưng việc làm hồ đồ, ngu muội của Tây Chu Vương còn đáng nói hơn khi chỉ vì muốn người đẹp mỉm cười mà ông ta đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ, dẫn tới mất nước. Nụ cười mê hồn của Bao Tự lúc nhìn thấy các nước chư hầu ngơ ngác hội sư khi nhìn thấy ngọn lửa bốc lửa - tín hiệu báo nguy cấp, song họ chưng hửng khi biết đó chỉ là cách mua vui, chiều lòng mỹ nhân của Tây Chu Vương. Và tới khi ông ta bị nguy khốn thật thì chẳng có ai động binh bởi mọi người đều nghĩ, chắc Tây Chu Vương lại đùa!

Là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời cổ đại với biệt danh đệ nhất nữ gián điệp, Tây Thi đã khiến Ngô Phù Sai bị diệt vong bởi tay Việt Câu Tiễn (thời Xuân thu Chiến quốc - TG). Sau khi bị đánh bại, Việt Câu Tiễn đã dâng cho Ngô Phù Sai người đẹp Tây Thi và nhờ đó ông ta thoát khỏi nạn diệt vong. 20 năm sau, dưới sự phò tá trung thành, đắc lực của tướng quân kiệt xuất Phạm Lãi, Việt Câu Tiễn đã “hưng Việt diệt Ngô”. Tương truyền, sau khi Phù Sai bị giết, nước Ngô bị diệt vong, Tây Thi đã được tướng quân Phạm Lãi đưa đi ngao du giang hồ, xa rời chốn trần gian.

Để ca ngợi công đức của Tây Thi, một nữ điệp viên tài ba thời Xuân Thu chiến quốc, dám xả thân vì nước ngay từ đời Đường người ta đã cho dựng miếu thờ Tây Thi tại quê nhà và tiếp tục được trùng tu, sửa chữa ở đời Minh và Thanh. Kiến trúc tổng quan của nơi đây dựa vào núi cùng kết cấu tinh xảo nên trở thành Viện bảo tàng nghệ thuật điêu khắc từ khi nào không biết. Mấy năm gần đây, điện Tây Thi trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước (trung bình hơn 100.000 người/năm). Cho đến nay trong 4 người đẹp nhất thời cổ đại Tây Thi vẫn được xếp đứng đầu bảng, tiếp đến là Dương Ngọc Hoàn, Vương Chiêu Quân và Điêu Thuyền.

Dương Ngọc Hoàn (719-756) đã khiến triều Đường đang hưng thịnh bỗng trở nên suy tàn, thậm chí gây một nỗi nhục lớn không thể xóa nhòa bởi tiếng xấu “cha cướp vợ của con”. (Nhà Đường với 289 năm cầm quyền, từ năm 618 đến năm 907 - TG). Năm 734, Dương Ngọc Hoàn, 16 tuổi được gả cho Lý Mạo, 16 tuổi, Hoàng tử thứ 18 của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Năm 737, Vũ Huệ, ái thiếp của Lý Long Cơ chết khiến ông ta buồn bã khôn nguôi. Mãi sau này Lý Long Cơ mới vui vẻ trở lại sau khi được Cao Lực Sỹ giới thiệu Dương Ngọc Hoàn. Để có thể tối ngày bên cạnh mỹ nhân, Lý Long Cơ đã ban chiếu (740) để Dương Ngọc Hoàn xuất gia và tu tại Thái Chân cung. Năm 745, Lý Long Cơ cưới vợ mới cho Lý Mạo để danh chính ngôn thuận phong Dương Ngọc Hoàn làm quý phi.

Tuy chỉ biết ca múa, thông âm luật nhưng Dương Ngọc Hoàn cũng rất giỏi trong việc mê hoặc Đường Huyền Tông bởi cả hai lần phạm tội, bị đuổi ra khỏi cung, nhưng cả hai lần Đường Huyền Tông đều phải cho người đi triệu Dương Ngọc Hoàn trở lại… Vì được sủng ái nên thân quyến của Dương Ngọc Hoàn cũng được Lý Long Cơ trọng dụng, cất nhắc đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong triều và đây chính là mầm họa về sau. Thậm chí người họ Dương còn được đặc cách cưới 2 Công chúa và 2 Quận chúa. Bởi đắm chìm bên người đẹp, không màng tới triều chính nên Đường Huyền Tông đã bị An Lộc Sơn làm phản (tháng 11-755) buộc phải bỏ cả ngai vàng chạy trốn. Quan quân đi cùng Đường Huyền Tông (756) đã ép ông phải giết Dương Quốc Trung và Dương Ngọc Hoàn (treo cổ). Hiện trên bia mộ của Dương Ngọc Hoàn tại huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây vẫn còn những bài thơ nổi tiếng của Lý Thương Ấn, Bạch Cư Dị và Lâm Tắc Từ.

Từ Hy Thái hậu (1835-1908) nổi tiếng bởi việc buông rèm chấp chính tại hai đời vua Đồng Trị và Quang Tự. (Triều đại phong kiến cuối cùng của Trung quốc là nhà Thanh, với 295 năm cầm quyền, từ năm 1616 đến năm 1911 - TG). Sau khi vào cung (1852) được phong là Lan quý nhân, rồi trở thành người thứ hai sau Hoàng hậu, được vua Hàm Phong sủng ái nên đã sớm can dự vào triều chính. Sau khi tổ chức thành công cuộc chính biến tháng 11-1861, giết 3 trong số bát vị đại thần, Từ Hy Thái hậu chính thức thao túng triều chính.

Mặc dù một loạt biến cố lớn đã xảy ra trong thời kỳ mạt đại Thanh triều như cuộc nổi dậy của Thái Bình thiên quốc, của người Miêu, người Hồi, cuộc chính biến của Hoàng đế Quang Tự (1898), cuộc khởi nghĩa của Nghĩa Hòa Đoàn (1900), rồi sự xâm lược của bát quốc… nhưng Từ Hy Thái hậu vẫn “vững tay chèo” - vừa đắm chìm trong nhục dục với bạn tình, vừa khống chế toàn cục. Thậm chí trước khi chết (15-11-1908), chấm dứt 47 năm chấp chính, Từ Hy Thái hậu vẫn kịp đưa Phổ Nghi, mới 3 tuổi lên đăng quang Hoàng đế hôm 14-11-1908. Và Phổ Nghi trở thành vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều

n Hồng - Tiên Du

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-luc-dai-hoang-hau-quy-phi-chon-hau-cung-208181.html