Trung Quốc lo không thể đấu dài hơi với Mỹ

Dự trữ USD thấp phục vụ cho thị trường tỉ dân, Trung Quốc đang lo thiếu ngoại tệ.

South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích nghi ngờ rằng, Trung Quốc đang kiểm tra dòng vốn ra nước ngoài một cách khắt khe trong bối cảnh thương chiến Mỹ- Trung ít có tín hiệu khả quan.

Trung Quốc lo thiếu tiền USD vì thương chiến.

Trung Quốc lo thiếu tiền USD vì thương chiến.

Theo đó, dường như chính quyền tại Trung Quốc đang đặc biệt quản lý nguồn tiền đổ ra nước ngoài, cụ thể là đồng ngoại tệ. Luật pháp cho phép công dân được phép rút tối đa 50.000 USD mỗi năm nhưng hiện nay đang bị thắt chặt lại.

Cựu cố vấn Ngân hàng trung ương Yu Yongding cho biết cá nhân ông đã bị từ chối chuyển 20.000 USD từ tài khoản cá nhân ra nước ngoài. Theo ông Yu, ngân hàng nêu lý do ông đã hơn 65 tuổi.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang xem xét kỹ việc rút ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên trong bất kỳ giao dịch nào. Trước đó con số này là 8.000 USD.

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lãi suất tiền gửi đồng USD kỳ hạn một năm tại Trung Quốc tăng từ 2,4% vào tháng 8 năm ngoái lên 3,4%.

Khoảng hai phần ba dự trữ ngoại hối trị giá 3.100 tỷ USD của nước này là USD nhưng Bắc Kinh đang thực sự lo lắng về tương lai thiếu đồng bạc xanh để giải quyết nhiều vấn đề của đất nước.

Dự trữ của Trung Quốc hiện chỉ chưa đến 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm từ mức 48% vào năm 2010. Đồng thời, nợ nước ngoài của nước này đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 1.970 tỷ USD vào năm 2018. Điều này có nghĩa là 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ gấp khoảng 1,6 lần nợ nước ngoài và đủ để chi trả cho 12 tháng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đứng ở mức 155% GDP trong quý II/2018, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác và khó có thể bền vững. Cụ thể, mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP và của Mỹ là 74%.

Một vài chuyên gia có chung lo ngại lượng ngoại tệ dự trữ của Bắc Kinh có thể không đủ tạo ra một bộ đệm an toàn cần thiết cho việc nhập khẩu của Trung Quốc và trả hết nợ trong trường hợp bất lợi, nếu đồng nhân dân tệ phải mất giá.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết họ vẫn đảm bảo đầy đủ quyền sử dụng ngoại hối hợp pháp của tất cả cá nhân. Mọi công dân nước này được phép mua ngoại tệ đến 50.000 USD mỗi năm, không giới hạn độ tuổi.

Trung Quốc phản đòn "an ninh quốc gia Mỹ"

Trước các sức ép từ Mỹ đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc do tác động từ sắc lệnh của Tổng thống Mỹ liên quan đến an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng dự định công bố “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy".

Trung Quốc cũng công bố mối nguy tầm quốc gia về sản phẩm Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 31/5 cho biết, nước này sẽ thực hiện cơ chế "Danh sách các thực thể không đáng tin cậy". Những doanh nghiệp hoặc cá nhân bị đưa vào danh sách có thể sẽ phải chịu những biện pháp hạn chế hoặc trừng phạt của chính phủ Trung Quốc. Đây là hành động đáp trả mới nhất của Trung Quốc đối với lệnh cấm của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp nước này.

Những thực thể bị đưa vào danh sách là những pháp nhân, tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài thực hiện các biện pháp bao vây, cắt nguồn cung hoặc các biện pháp mang tính kỳ thị đối với các thực thể của Trung Quốc không vì mục đích thương mại, gây những tổn thất thực tế đối với các ngành công nghiệp của nước này, gây ra những mối đe dọa hoặc đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Ông giải thích rõ hơn, căn cứ vào luật định của Trung Quốc, nước này sẽ thiết lập "Danh sách những thực thể không đáng tin cậy", những doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân không tuân thủ quy tắc thị trường, đi ngược lại với tinh thần của các thỏa ước, bao vây hoặc cắt nguồn cung đối với các doanh nghiệp Trung Quốc không vì mục đích thương mại, gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nước này, sẽ bị đưa vào danh sách.

Huawei cũng phản đòn

Trước việc các nhân viên Huawei bị yêu cầu nghỉ việc ở các tổ chức khoa học tại Mỹ, gã khổng lồ Trung Quốc cũng đã ra đòn tương tự.

Một hội thảo đang được tiến hành tại thời điểm thông báo đã nhanh chóng tan rã và các công dân Mỹ được yêu cầu tháo laptop, ngắt kết nối và rời khỏi cơ sở của Huawei.

Dang Wenshuan, kiến trúc sư chiến lược trưởng của Huawei, cho biết công dân Mỹ làm việc trong bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại trụ sở của Huawei, đã được yêu cầu quay trở lại Mỹ cách đây 2 tuần. Ông Dang nói thêm, Huawei cũng đang hạn chế sự tương tác rộng rãi hơn giữa nhân viên và bất kỳ công dân Mỹ nào. Hãng kiểm tra du khách đến khuôn viên công ty không được mang hộ chiếu Mỹ.

Một đối tác Mỹ làm việc tại Trung Quốc cho biết đã rất ngạc nhiên khi nhận được tin nhắn từ bộ phận liên hệ kinh doanh của Huawei rằng họ đã hoãn mọi liên lạc cho đến khi có thông báo mới.

Nội dung tin nhắn cho biết: “Vì quy định của chúng tôi, chúng tôi không được phép gặp công dân Mỹ để thảo luận về các vấn đề liên quan đến công nghệ”.

Trước đó, ít ngày Trung Quốc đã cho rằng, họ bị phân biệt đối xử khi Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) có trụ sở tại New York đã thông báo tới khoảng 200 tạp chí khoa học rằng các nhân viên của Huawei có thể tiếp tục phục vụ trong ban biên tập nhưng không thể xử lý bất kỳ giấy tờ nào. Tổ chức này sẽ xem xét lại lệnh cấm trên cho đến khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-lo-khong-the-dau-dai-hoi-voi-my-3381106/