Trung Quốc lên tiếng về nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn

Bất chấp các báo cáo gần đây về nguy cơ 'mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra', Trung Quốc khẳng định nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông vẫn hoạt động tốt.

Hôm 14/6, Tập đoàn Năng lượng Pháp (EDF) thông báo tiến hành điều tra về việc rò rỉ khí trơ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, cơ sở liên doanh giữa Framatome (thuộc sở hữu EDF) và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN).

Cùng ngày, CNN cho biết giới chức Mỹ cũng đã bắt tay vào đánh giá sự cố trên. Trước đó, Framatome đã liên hệ với Bộ Năng lượng Mỹ về mối nguy hiểm tiềm tàng vào cuối tháng 5.

Đến hôm 15/6, Trung Quốc thông báo mức độ phóng xạ xung quanh dự án hạt nhân Đài Sơn vẫn bình thường, theo Reuters.

 Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: EyePress.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: EyePress.

Nhà máy vẫn hoạt động tốt

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 15/6 khẳng định rằng nhà máy hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật và không có dấu hiệu bất thường ở khu vực lân cận.

“Cho đến nay, nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động tốt và không xuất hiện sự cố nào ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng", ông Triệu Lập Kiên cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam nói rằng Đài quan sát Hong Kong cũng không phát hiện điều gì đặc biệt sau khi theo dõi mức độ phóng xạ từ nhà máy.

Ông Li Ning, nhà khoa học hạt nhân người Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ, nói rằng những nguy cơ từ Đài Sơn đã được phóng đại. “Các nhà máy điện hạt nhân khi xây dựng và vận hành đều được kiểm soát rất chặt chẽ", ông Li Ning cho biết.

Thậm chí, ông Li Ninh từng khẳng định: “Các nhà máy điện than có thể thải phóng xạ nhiều hơn các nhà máy điện hạt nhân".

Dù vậy, ông Tatsujiro Suzuki, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, còn tỏ ra khá băn khoăn.

“Trong điều kiện hoạt động bình thường, đúng là một số loại khí như krypton và xenon sẽ thoát ra ngoài. Lần này nồng độ của chúng cao hơn nhiều, vì vậy có điều gì đó đang xảy ra,” ông Suzuki cho biết.

"Có thể (nhà máy) gặp phải vấn đề về nhiên liệu. Điều này là bất thường", ông Suzuki khẳng định. "Vấn đề thực sự nghiêm trọng khi khí trơ phóng xạ rò rỉ ra môi trường", ông nói.

Khung cảnh bên trong nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Ảnh: Xinhua.

"Mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra"

Trước đó, CNN dẫn nguồn tin cho biết Framatome, doanh nghiệp EDF tham gia thiết kế và vận hành nhà máy, cảnh báo rằng cơ sở nằm cách Hong Kong 200 km này đang đối mặt với "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra".

EDF cho biết sự tích tụ của hai loại khí trơ krypton và xenon đã ảnh hưởng đến mạch chính của Tổ máy số 1 ở Đài Sơn. Dù vậy, công ty này bổ sung thêm rằng "hiện tượng trên đã được tính đến" và là một phần của quy trình vận hành lò phản ứng.

Các khí krypton và xenon được tạo ra trong quá trình phân rã phóng xạ, xuất hiện khi một vài thanh nhiên liệu hạt nhân bị xuống cấp. Quá trình này giải phóng các chất khí vào dòng nước làm mát và tới turbin sản xuất điện.

Việc phát hiện các khí này ở khu vực lân cận là cảnh báo sớm về trục trặc trong hệ thống an toàn của nhà máy. Dù vậy, tình trạng trên không phải là hiếm.

Trong khi CGN, cổ đông lớn nhất của nhà máy, tuyên bố rằng các hoạt động tại nhà máy đáp ứng quy định về an toàn, Cục An toàn Hạt nhân Trung Quốc (CNSA) khẳng định mức độ bức xạ ở khu vực lân cận vẫn bình thường vào hôm 14/6, dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Dù vậy, Framatome cho rằng CNSA đang nâng mức giới hạn bức xạ cho phép bên ngoài nhà máy Đài Sơn, để tránh phải đóng cửa nhà máy này, theo CNN. Mức giới hạn hiện tại đã gấp đôi tiêu chuẩn mà Pháp và Trung Quốc cam kết khi bắt đầu dự án.

Quá trình xây dụng một lò phản ứng ở nhà máy điện Đài Sơn. Ảnh: Ulma.

Thách thức đi kèm

Tháng 8/2019, CGN, công ty hạt nhân lớn nhất Trung Quốc do chính phủ quản lý, đã bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" vì bị cáo buộc mua lại công nghệ và vật liệu tiên tiến của Mỹ để dùng cho mục đích quân sự.

Ông Li Ninh cho biết, để hỗ trợ CGN khắc phục các vấn đề công nghệ, Framatome, công ty cũng có hoạt động tại Mỹ, cần quyền miễn trừ từ chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng "danh sách đen" của Mỹ là một cách để nước này kiểm soát hoạt động xuất khẩu.

Còn tại Đài Sơn, các vấn đề liên quan đến quy trình vận hành an toàn xảy ra khá thường xuyên.

Vào tháng 3, các thanh sát viên đang kiểm tra một vôn kế bị lỗi trong Tổ máy 1 đã vô tình gây ra sự cố điện khiến tắt máy tự động, theo hồ sơ của CNSA. Đến tháng 4, một vụ nổ khí phóng xạ cũng bất ngờ xảy ra tại một đường ống trong hệ thống xử lý khí thải của tổ máy này.

Dù vậy, các vấn đề tại dự án Đài Sơn khó có thể làm giảm tham vọng hạt nhân của Trung Quốc. Năm 2020, nước này đã không đạt được mục tiêu phát triển về năng lực hạt nhân.

Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, toàn quốc có 16 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với 49 lò phản ứng tính đến tháng 3/2021.

Một số ý kiến cho rằng quá trình mở rộng lĩnh vực điện hạt nhân ở Trung Quốc không chỉ bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima xảy ra ở Nhật Bản năm 2011, mà còn do các dự án nước ngoài thiết kế có tiến độ chậm trễ và chi phí gia tăng.

Trong khi đó, Reuters nhận định những sự việc tương tự nhấn mạnh thách thức các nhà phát triển lò phản ứng từ nước ngoài phải đối mặt, trong bối cảnh thị trường kinh doanh đang bị các công ty trong nước chi phối.

Kỳ Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-len-tieng-ve-nha-may-dien-hat-nhan-dai-son-post1227758.html