Trung Quốc 'lạnh gáy' khi tên lửa chống hạm siêu thanh của Nhật Bản bước vào trực chiến

Trang Sina của Trung Quốc đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới diễn biến tại Triển lãm quốc phòng Japan Airshow 2018, khi Nhật Bản chính thức trưng bày tên lửa chống hạm siêu thanh XASM-3.

 Trang Sina của Trung Quốc bình luận rằng việc Nhật Bản chính thức mang tên lửa chống hạm siêu thanh XASM-3 tới Triển lãm Japan Airshow 2018 sau khi nó đã hoàn thành 6 cuộc thử nghiệm là chỉ dấu rõ ràng cho thấy vũ khí này đã chính thức được tiếp nhận đưa vào trang bị.

Trang Sina của Trung Quốc bình luận rằng việc Nhật Bản chính thức mang tên lửa chống hạm siêu thanh XASM-3 tới Triển lãm Japan Airshow 2018 sau khi nó đã hoàn thành 6 cuộc thử nghiệm là chỉ dấu rõ ràng cho thấy vũ khí này đã chính thức được tiếp nhận đưa vào trang bị.

XASM-3 là tên lửa chống hạm siêu âm thế hệ 3 của Nhật Bản, do Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật (Technical Research and Development Institute) của Chính phủ Nhật và Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries - MHI) hợp tác phát triển.

XASM-3 sẽ thay thế loại ASM-1 và ASM-2 sau khi hoàn thành các bài kiểm tra. Trước mắt nó sẽ trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên không, cụ thể là dành cho tiêm kích Mitsubishi F-2, phiên bản phóng từ tàu mặt nước với tầng khởi tốc được bổ sung cũng sẽ sớm ra mắt.

Tên lửa không đối hạm XASM-3 có chiều dài 5,25 m; trọng lượng phóng 900 kg; tầm bắn tối đa 200 km; khối lượng của đầu đạn chưa được nhà sản xuất công bố cụ thể.

Điểm nổi trội của vũ khí này nằm ở sự kết hợp giữa động cơ tên lửa nhiên liệu rắn với động cơ phản lực dòng thẳng, cho tốc độ tối đa lên tới Mach 3, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định vận tốc của XASM-3 lên tới Mach 5.

Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu; cập nhật dữ liệu từ vệ tinh hoặc phương tiện mang phóng khi bước vào giai đoạn hai; bật đầu dò radar chủ động (có cả kênh dẫn thụ động tích hợp), hạ thấp độ cao khi bước vào giai đoạn công kích.

Theo ước tính, đối phương có không quá 15 giây để phản ứng tính từ thời điểm bắt đầu phát hiện ra XASM-3, cần lưu ý rằng đây chỉ là con số lý tưởng còn thực tế sẽ ngắn hơn nhiều lần.

Theo thông lệ đặt tên của Nhật Bản, khi đã hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra và nhận vào biên chế thì tên lửa chống hạm siêu thanh XASM-3 sẽ loại bỏ tiền tố "X" và chỉ còn là ASM-3.

Nhờ vận tốc cực nhanh, tầm bắn xa, áp dụng công nghệ tàng hình tiên tiến, tên lửa chống hạm ASM-3 của Nhật Bản được đánh giá là một cơn ác mộng đối với Hải quân Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang.

ASM-3 tỏ ra vượt quá năng lực đánh chặn của các hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu như HHQ-16 trên khinh hạm Type 054A, hay thậm chí là HHQ-9 trang bị cho khu trục hạm phòng không Type 052C/D.

Ngoài nền tảng tiêm kích Mitsubishi F-2, tên lửa ASM-3 còn triển khai được từ máy bay tuần tra chống ngầm Kawasaki P-1, thậm chí chiến đấu cơ F-35 cũng có thể mang nếu chấp nhận đánh đổi khả năng tàng hình.

Bên cạnh đó, với chính sách mở cửa về quốc phòng dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ đồng ý xuất khẩu tên lửa ASM-3 sang các quốc gia đồng minh thân thiết trong tương lai.

Bởi vậy, chẳng có gì quá ngạc nhiên khi giới chức quân sự Trung Quốc cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa sau khi chứng kiến Nhật Bản mang tên lửa ASM-3 tới Triển lãm Japan Airshow 2018.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh ASM-3 của Nhật Bản hoàn toàn đủ năng lực thay đổi cuộc chơi, khiến ưu thế về hải quân của Trung Quốc không còn vững chắc như hiện tại.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-lanh-gay-khi-ten-lua-chong-ham-sieu-thanh-cua-nhat-ban-buoc-vao-truc-chien/790594.antd