Trung Quốc lần đầu có trong tay S-400 của Nga

Trung Quốc có kế hoạch tiến hành vụ bắn thử tên lửa S-400 đầu tiên vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, một nguồn tin ngoại giao và quân sự của Trung Quốc vừa tiết lộ với hãng tin Itar Tass.

Hệ thống S-400

"Theo kế hoạch, vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, một đơn vị thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa từng tham gia quá trình huấn luyện và đào tạo ở Nga sẽ tiến hành bắn thử tên lửa S-400 nhằm vào một mục tiêu đạn đạo giả định tại một trường bắn của Trung Quốc”, nguồn tin trên cho biết.

Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga từ chối bình luận về thông tin nói trên.

Trung Quốc đã nhận được các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf đầu tiên của Nga vào hồi tuần trước, một nguồn tin khác cho hay. Sau khi một văn bản được ký kết, các hệ thống S-400 đã được bàn giao cho Trung Quốc.

Tin tức Trung Quốc ký một hợp đồng mua các hệ thống tên lửa hiện đại S-400 của Nga xuất hiện vào tháng 11 năm 2014. Vào tháng 11 năm 2015, cố vấn của Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự - ông Vladimir Kozhin xác nhận thông tin này. Trung Quốc trở thành khác hàng nước ngoài đầu tiên của Nga nhận được hệ thống S-400 và họ đã nhận được hai hệ thống.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.

Sau Trung Quốc, một loạt các nước khác bắt đầu tìm cách mua S-400 của Nga. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Qatar, Ả-rập Xê-út… trong thời gian qua đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch đàm phán mua S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sắp có trong tay S-400. Việc một loạt đồng minh của Mỹ tìm mua S-400 của Nga khiến Washington tức giận.

Trong khi đó, việc Nga có ý định bán các tổ hợp S-400 cho Ấn Độ - kỳ phùng địch thủ của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cũng quan ngại dù họ đã có trong tay những tên lửa này.

Tuy nhiên, bất chấp sự lo ngại của Trung Quốc, Nga được cho là vẫn quyết tâm bán cho Ấn Độ các tổ hợp tên lửa S-400. Nga và Ấn Độ vốn có mối quan hệ gắn bó truyền thống lâu dài. Ấn Độ là khách hàng lớn của Nga trên thị trường vũ khí. Ấn Độ và Nga còn có mối quan hệ hợp tác trong các dự án phát triển vũ khí tối tân.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201807/trung-quoc-lan-dau-co-trong-tay-s-400-cua-nga-609788/