Trung Quốc 'kiệt sức' với công nghệ làm việc '996'

'996' - một lịch trình làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, đã trở thành tiêu chuẩn tại nhiều Cty công nghệ và khởi nghiệp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kiểu làm việc này đang khiến hàng loạt nhân viên Trung Quốc kiệt sức, trầm cảm.

"996" - một lịch trình làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, đã trở thành tiêu chuẩn tại nhiều Cty công nghệ và khởi nghiệp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kiểu làm việc này đang khiến hàng loạt nhân viên Trung Quốc kiệt sức, trầm cảm.

Nhiều nhân viên công nghệ Trung Quốc đã chia sẻ các bức ảnh "chống 996". Trong bức ảnh này, họ muốn nói rằng làm việc nhiều giờ sẽ khiến bạn phải vào viện.

Nhiều nhân viên công nghệ Trung Quốc đã chia sẻ các bức ảnh "chống 996". Trong bức ảnh này, họ muốn nói rằng làm việc nhiều giờ sẽ khiến bạn phải vào viện.

Wang Shichang làm việc 12 giờ một ngày, thường là 6 ngày một tuần. Thanh niên mới cưới vợ này rất bận rộn, hầu như không có thời gian dành cho vợ. Chỉ mới 28 tuổi nhưng sức khỏe của Wang không được tốt. Mắt căng thẳng và khô khốc, giấc ngủ không sâu. "Leo lên 4 tầng khiến tôi hết hơi", anh nói. Wang cho rằng, tình trạng sức khỏe của mình là do làm việc quá sức, những gì được biết đến ở Trung Quốc là "996" - một lịch trình làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, đã trở thành tiêu chuẩn tại nhiều Cty công nghệ và khởi nghiệp tại nước này.

Chủ đề này đã thúc đẩy những cuộc tranh luận sôi nổi trên phương tiện truyền thông xã hội, với việc nhiều ông trùm công nghệ và doanh nhân cân nhắc về giá trị của thời gian làm việc dài và căng thẳng. Jack Ma, người sáng lập Cty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã vấp phải những lời chỉ trích vào đầu năm nay sau khi ông tán thành giờ làm việc dài, cho rằng điều này là "một phước lành". Wang không đồng ý với ông Jack Ma và anh ấy không phải là người duy nhất. Nhiều người khác cũng phàn nàn về tình trạng làm việc quá sức trên Github, một diễn đàn trực tuyến nổi tiếng trong thế giới công nghệ về chia sẻ mã nguồn. Họ cũng chia sẻ các bức ảnh "chống 996". Một bức ảnh cho thấy một cặp vợ chồng cầm ly rượu với chú thích: "Chúng tôi ăn mừng khi ở cùng phòng lần đầu tiên sau 2 năm cưới nhau".

"Chạy đua" với thời gian

Trong nhiều thập kỷ qua, thời gian làm việc kéo dài và làm thêm giờ quá mức là điều phổ biến trong ngành sản xuất của Trung Quốc. Giờ đây, đặc điểm văn hóa này thậm chí đã lan đến các văn phòng. Một cuộc khảo sát năm 2018 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, trung bình, người dân Trung Quốc có 2,27 giờ giải trí mỗi ngày, ít hơn một nửa so với người Mỹ, Đức và Anh.

Theo cuộc khảo sát của chính phủ năm 2018 về sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc, một nửa trong số 403 nhân viên công nghệ được khảo sát cho biết, họ thấy mệt mỏi. Những người khác gặp phải các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém hơn, và rối loạn cột sống và cổ. Wang cho biết, sức khỏe tinh thần của anh cũng bị ảnh hưởng. "Căng thẳng trong công việc làm cho chứng trầm cảm của tôi tồi tệ hơn nhiều đến mức tôi phải điều trị lâm sàng", anh nói. Wang nói rằng bác sĩ giục anh ta quản lý tốt hơn công việc của mình và ngủ nhiều hơn, nhưng anh khó có thể đánh đổi. "Vợ tôi và tôi đôi khi phải giảm bớt giờ ngủ để làm những việc chúng tôi thích", Wang nói.

Tất nhiên, làm việc quá sức không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Nhật Bản và nước láng giềng và Hàn Quốc cũng vấp phải tình trạng thời gian làm việc kéo dài. Các thuật ngữ Karoshi và gwarosa, theo tiếng Nhật và tiếng Hàn, đều đề cập đến những cái chết do làm việc quá sức. Mỹ cũng vậy. Tình trạng làm việc quá sức xảy ra thường xuyên tại Thung lũng Silicon. Elon Musk, nhà sáng lập của doanh nghiệp sản xuất ô-tô điện Tesla, từng nói rằng ông làm việc 80 đến 90 giờ một tuần. "Không ai từng thay đổi thế giới nếu chỉ làm việc 40 giờ một tuần", ông tuyên bố.

"Nhàm chán và lặp đi lặp lại"

Theo ông Xiang Yuanzhi, Tổng biên tập của tạp chí Kinh tế Internet, một lý do khiến thế hệ nhân viên trẻ tuổi này cảm thấy họ bị đối xử bất công là sự không phù hợp giữa kỳ vọng và thực tế.

Nhiều người được giáo dục tốt nhưng công việc và mức lương họ nhận được từ các công việc liên quan đến công nghệ không phải là những gì họ đã tưởng tượng. Và không giống như các chuyên gia làm việc cường độ cao khác, chẳng hạn như bác sĩ hoặc nhà khoa học, các lập trình viên không có được địa vị xã hội và sự tôn trọng như vậy. "Công việc của họ chủ yếu là nhàm chán và lặp đi lặp lại, tập trung vào các phần nhỏ của các dự án mã nguồn khổng lồ. Thật khó để có được cảm giác thỏa mãn", ông Xiang nói. "Nói thẳng ra, các lập trình viên về cơ bản không khác gì công nhân dây chuyền lắp ráp. Các lập trình viên trẻ Trung Quốc muốn một cuộc sống sung túc hơn. Họ đòi hỏi nhiều tự do cá nhân hơn", Wang nói thêm.

Trong số 40 nhân viên công nghệ Trung Quốc mà CNN tiếp cận, rất ít người nói rằng họ đã tìm kiếm sự tư vấn hoặc giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ nhân viên - điều mà không nhiều Cty công nghệ Trung Quốc cung cấp. Theo bà Enoch Li, người điều hành một Cty tư vấn sức khỏe tâm thần cho các Cty ở Trung Quốc, sức khỏe tinh thần của nhân viên không nằm trong danh sách những điều mà các doanh nhân công nghệ quan tâm. Và sự kỳ thị xung quanh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc có nghĩa là nhiều nhân viên không thể bày tỏ họ cảm thấy thế nào hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_207035_trung-quoc-kiet-suc-voi-cong-nghe-lam-viec-996-.aspx