Trung Quốc kích hoạt 'Mắt trời', bắt đầu công cuộc săn lùng sự sống ngoài Trái đất

To bằng 30 sân bóng, khẩu độ 500 mét, được đặt trên một đỉnh núi, đây là chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới.

Hôm 11/1 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới, mang tên khoa học FAST hay còn được gọi là "Mắt trời". Mục đích của nó được xác định là sử dụng cho nghiên cứu không gian và giúp đỡ trong việc "săn lùng sự sống ngoài Trái đất", theo thông tin đưa ra bởi Tân Hoa Xã.

FAST là chiếc kính thiên văn hình cầu có khẩu độ năm trăm mét, với kích thước to bằng 30 sân bóng đá, tổng diện tích bề mặt phản xạ lên tới 250.000 mét vuông và được "đẽo gọt" để đặt trên một ngọn núi ở phía tây nam tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Quá trình xây dựng nó mất nhiều năm, từ 2011 và mãi tới năm 2016 mới hoàn thành, với kinh phí 1,2 tỉ NDT (tương đương 170 triệu USD). Từ đó tới nay, nó vận hành mang tính "chạy thử gỡ lỗi" cũng như thử nghiệm hoạt động.

Kỹ sư trưởng của FAST, Jiang Peng cho biết chiếc kính viễn vọng khổng lồ này có khả năng hoạt động đáng tin cậy và ổn định, với độ nhạy cao gấp hơn 2,5 lần so với kính viễn vọng lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, nó có khả năng tiếp nhận lượng thông tin lên tới 38gigabyte/giây và dù chỉ hoạt động ở trạng thái thử nghiệm trong 3 năm qua, FAST đã phát hiện được 102 ẩn tinh mới, nhiều hơn tổng số ẩn tinh được các nhóm nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ phát hiện trong cùng thời gian. Theo các báo cáo, phạm vi phát hiện của nó tiếp cận trực tiếp đến rìa vũ trụ và các xung tín hiệu có thể được theo dõi trong thời gian thực.

Kính viễn vọng này được cố định bởi 6 tháp hỗ trợ khổng lồ. Để nhận được tín hiệu sóng vô tuyến từ các thiên thể, bề mặt phản xạ của nó có thể điều chỉnh cần và hệ thống này hoạt động bằng một hệ thống cáp hỗ trợ siêu khỏe và có độ chống dãn nở cực cao. Phạm vi di chuyển của cabin thu nhận sóng vượt quá 200 mét nhưng với 2225 bộ truyền động trên bề mặt phản chiếu, các nhân viên vận hành phải kiểm soát độ chính xác của chuyển động ở cấp độ... milimet. Nên biết rằng nếu muốn bề mặt phản xạ đảm bảo độ chính xác tuyệt đối, các nhà khoa học phải xem xét cả các lỗi, như vấn đề gây ra bởi độ cong của trái đất...

Trước đó vào gần cuối năm 2019, FAST đã bắt được phát xạ vô tuyến lặp đi lặp lại FRB121102. Tín hiệu này được cho là phát ra từ một thiên hà lùn cách Trái Đất khoảng 3 tỷ năm ánh sáng. FRB121102 được phát hiện lần đầu vào năm 2012, sau đó lặp lại vào năm 2015.

Nan Rendong, nhà thiên văn học người Trung Quốc, cha đẻ của "Mắt trời" đang kiểm tra kính viễn vọng khổng lồ này.

Nan Rendong, nhà thiên văn học người Trung Quốc, cha đẻ của "Mắt trời" đang kiểm tra kính viễn vọng khổng lồ này.

Kính viễn vọng FAST là một trong các bộ phận quan trọng, thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là bắt kịp Nga và Mỹ sau đó trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030.

Trong thời gian tới, chính quyền nước này còn có kế hoạch khởi động việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Tham khảo Reuters, Sina

Bảo Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-kich-hoat-mat-troi-chinh-thuc-san-lung-su-song-ngoai-trai-dat-82020131145920268.htm