Trung Quốc không tin SM-3 Hàn làm nên trò trống gì

Hàn Quốc vừa quyết định mua tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 của Mỹ để đề phòng mối nguy hiểm do bị tấn công từ bên ngoài.

Tên lửa hàng đầu

Thông tin về gói mua sắm này được Tướng Kim Sun-ho, lãnh đạo cấp cao của lực lượng phòng thủ Hàn Quốc cho biết: "Quyết định mua sắm thực chất đã được chính phủ Hàn Quốc thông quan từ hồi tháng 9 nhưng đến nay nó mới được công bố".

Là dòng tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới, quá trình tác chiến của SM-3 chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất.

Chiến hạm Mỹ phóng SM-3.

Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu.

Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 23kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.

Cụ thể, tầng khởi động lúc bắt đầu phóng của tên lửa SM-3 sử dụng động cơ khởi động nhiên liệu rắn MK-72. Sau khi rời hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, SM-3 Block IIA chủ yếu được dẫn đường bằng hệ thống quán tính.

Khi cháy hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách tầng thứ nhất là MK-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc hành trình hai chế độ MK-104. Giai đoạn này, tên lửa được dẫn hướng thông qua radar bố trí trên tàu mẹ.

Với sự hỗ trợ của GPS, sau khi tách tầng đẩy MK-104, động cơ đẩy tăng cường MK-136 bắt đầu hoạt động. Hệ thống động cơ này hoạt động trong 30 giây sẽ kích hoạt và đưa tên lửa vượt ra ngoài tầng khí quyển.

Khi tầng đẩy MK-136 hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách lần cuối cùng và kết cấu tự dẫn sẽ đi vào hoạt động. Kết cấu tầng tự dẫn LEAP nặng 23kg được kích hoạt để kiểm soát và tấn công phá hủy mục tiêu.

Với cách đánh chặn mục tiêu của SM-3, Tướng Kim Sun-ho cho rằng không một hệ thống phòng thủ nào trên thế giới có tính năng tương tự, kể cả S-400 hay sắp tới là S-500 của Nga.

Trung Quốc không tin

Dù SM-3 nhiều lần được Mỹ và đồng minh ca ngợi nhưng theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Yang Chengjun, hệ thống vũ khí mới của cả Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc với nòng cốt là tên lửa SM-3 không đủ khả năng đánh chặn tên lửa Trung Quốc.

Giới quan sát Trung Quốc cho rằng tên lửa đánh chặn SM-3, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ và đồng minh đang thiết lập phạm vi phòng thủ rộng lớn hơn để đối phó Trung Quốc và điều này sẽ đe dọa an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Tuy nhiên, theo ông Yang: "hệ thống SM-3 không thể đánh chặn bất cứ tên lửa nào của Trung Quốc trong thực chiến". Mặc dù vậy, vị chuyên gia này không chỉ rõ cách Trung Quốc khiến tên lửa phòng thủ SM thành "vô dụng".

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/trung-quoc-khong-tin-sm-3-han-lam-nen-tro-trong-gi-3367299/