Trung Quốc kêu gọi nâng cao vai trò châu Phi trong quản trị toàn cầu

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh châu lục này cần có vai trò lớn hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. (Nguồn: Chinadaily/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. (Nguồn: Chinadaily/TTXVN)

Ngày 12/1, phát biểu tại lễ khánh thành trụ sở mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia - công trình do Trung Quốc tài trợ cho châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh châu lục này cần có vai trò lớn hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác.

Bộ trưởng Tần Cương nêu rõ: “Chúng ta nên tăng cường đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển, đặc biệt là của các nước châu Phi, trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.”

Theo ông, châu Phi nên là "một nền tảng cho sự hợp tác quốc tế, chứ không phải là đấu trường cạnh tranh giữa các nước lớn."

Nhân dịp này, ông Tần Cương cũng kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác "để đảm bảo hệ thống quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn."

Về phần mình, người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Mahamat Faki đã phàn nàn về việc châu Phi không có vị trí cố định trong tổ chức hàng đầu thế giới.

Theo ông Faki, trong nhiều thập niên, châu Phi đã đấu tranh để cải cách hệ thống quốc tế một cách toàn diện và đặc biệt là thay mặt cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông nhấn mạnh: "Châu Phi không muốn bị coi là đấu trường cho các cuộc tranh giành ảnh hưởng. Lục địa này có một tầm nhìn được nêu trong Chương trình nghị sự 2063. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và mong muốn hợp tác với tất cả các nước."

Ông Tần Cương hiện đang có chuyến công du tới 5 quốc gia châu Phi. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Sau Ethiopia, trong những ngày tới, ông Tần Cương sẽ đến thăm Ai Cập, Angola, Benin và Gabon.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm 15 thành viên, 5 trong số đó là các nước ủy viên thường trực và có quyền phủ quyết, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Những vị trí còn lại do các quốc gia khác đảm nhiệm trong thời gian 2 năm, trong đó 5 nước được công bố mỗi năm.

Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ ủng hộ việc trao ghế ủy viên thường trực cho châu Phi và cho châu Mỹ Latinh.

Ngoài ra, ông cũng ủng hộ vai trò thường trực của AU trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Hiện Tổng thống Biden cũng đang lên kế hoạch cho chuyến thăm tới khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến khu vực này kể từ năm 2015./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-keu-goi-nang-cao-vai-tro-chau-phi-trong-quan-tri-toan-cau/840936.vnp