Trung Quốc hưởng lợi từ chuyển giao quyền lực ở Zimbabwe?

Bắc Kinh được dự báo có thể gia tăng ảnh hưởng cũng như quan hệ hợp tác với Zimbabwe sau khi người bạn cũ Robert Mugabe ra đi. Zimbabwe đang đứng trước thời điểm bước ngoặt sau giai đoạn dài chìm trong suy thoái.

Không ngoài dự đoán, ông Robert Mugabe đã chính thức tuyên bố từ chức ngay khi quốc hội nước này tiến hành các bước luận tội, mở đường cho việc phế truất nhà lãnh đạo 93 tuổi. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Mugabe cho biết quyết định của mình mang tính “cách mạng”, với mong muốn đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia, và bằng cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Ông Mnangagwa (trái) từng là cấp dưới của Tổng thống Robert Mugabe. Cả hai đều có mối quan hệ tốt với Trung Quốc

AFP cho biết ngay sau tuyên bố từ chức của ông Mugabe, người dân Zimbabwe đã đổ ra đường để ăn mừng. Ở thủ đô Harare, đông đảo người dân đã ăn mừng, ca hát và nhảy múa tại nhiều khu vực công cộng. Tranh, ảnh của ông Mugabe đã bị gỡ bỏ và thay vào đấy, một số người đã bắt đầu dán ảnh của cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa lên.

Ông Mnangagwa, người mới bị ông Mugabe sa thải và quyết định này đã mở đầu cho sự can thiệp của quân đội, dẫn tới cuộc lật đổ quyền lực đối với nhà lãnh đạo 93 tuổi, sẽ tạm thời thay ông Mugabe ở cương vị Tổng thống. Ngay sau khi bị mất chức, ông Mnangagwa đã ra nước ngoài để đảm bảo an toàn. Reuters hôm qua đưa tin, ông Mnangagwa đã lên đường về Zimbabwe và sẽ tuyên thệ nhậm chức vào Thứ Sáu, 24/11 này.

Sinh năm 1942, ông Mnangagwa là một trong những chiến binh, chiến đấu bên cạnh ông Robert Mugabe trong chiến tranh giành độc lập của Zimbabwe với người Anh. Sau khi thành công, ông Mnangagwa đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ dưới quyền Tổng thống Mugabe như Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tư pháp. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, ông Mnangagwa có mối quan hệ đặc biệt thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông Mnangagagwa từng tham gia huấn luyện tại Trung Quốc những năm thập niên 1960, và sau đó tiếp tục được cử qua Trung Quốc học ở trường do đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý.

Đối với nhiều người Zimbabwe, ông Mnangagwa thậm chí tạo cảm giác sợ hãi hơn cả nhà lãnh đạo Mugabe. Hồi những năm 1980, khi quản lý cơ quan tình báo trung ương Zimbabwe, ông Mnangagwa được xác định liên quan tới chiến dịch Gukurahundi, khiến các đối thủ chính trị và hơn 20.000 dân thường thiệt mạng, theo cáo buộc của các tổ chức nhân quyền. Nghị sĩ đảng Lao động Anh, Kate Hoey trong phiên tranh luận ở quốc hội đã mô tả, ông Mnangagwa có lẽ “là người duy nhất ở Zimbabwe gây kinh hoàng nhiều hơn Mugabe”. Ông Piers Pigou, thuộc tổ chức Khủng hoảng quốc tế ở Nam Phi nhận xét, quá khứ đen tối của ông Mnangagwa không biến mất “nhưng sẽ bám theo ông ta như bã kẹo cao su dính dưới đế giày”.

Theo Reuters, ông Mnangagwa được biết đến với biệt danh “Ngwena”, trong tiếng Shona có nghĩa là “Cá sấu”, thể hiện sự khét tiếng của cấp phó ông Mugabe. Bản lĩnh trong chiến tranh và sự khôn ngoan cũng giúp ông Mnangagwa vượt qua nhiều sóng gió ở quốc gia châu Phi. New York Times đưa ra một cách giải thích khác nữa về biệt danh trên của ông Mnangagwa, là “cá sấu luôn tung ra đòn tấn công đúng lúc”.

Dù như thế nào, theo SCMP, việc ông Mnangagwa lên nắm quyền sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Zimbabwe. Hai năm trước, ông Mnangagwa từng phát biểu trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), là Zimbabwe đang trên đường thực hiện cải tổ. So với ông Mugabe, ông Mnangagwa có đường lối cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo chuyên gia các vấn đề đối ngoại thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc Shen Xiaolei, mối quan hệ thân mật với Bắc Kinh sẽ giúp ông Mnangagwa nhận được sự ủng hộ từ các doanh nhân Trung Quốc ở Zimbabwe. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Zimbabwe trải trên nhiều lĩnh vực. Hiện tại Zimbabwe cũng có khoảng 10.000 người Trung Quốc sinh sống, theo con số do Đại sứ quán Trung Quốc tại Harare chia sẻ. Hôm qua, Anh và EU đã kêu gọi Zimbabwe thực hiện bầu cử hợp pháp để lựa chọn ra chính quyền mới, đảm bảo quyền dân chủ ở nước này.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-quoc-huong-loi-tu-chuyen-giao-quyen-luc-o-zimbabwe-post207536.html