Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông, Mỹ điều tên lửa mạnh đối phó

Ở đâu đó trên Thái Bình Dương, một tàu chiến tàng hình của Hải quân Mỹ đang mang theo bên mình những loại vũ khí mới.

Các nhà phân tích nhận định rằng việc này có thể giúp Mỹ làm nghiêng cán cân sức mạnh về phía mình, ở những khu vực đang xảy ra tranh chấp như Biển Đông.

USS Gabrielle Giffords, một tàu chiến đẹp, tốc độ đã rời cảng ở San Diego (Mỹ) vào đầu tháng này, mang theo một loại tên lửa mới của Hải quân Mỹ và một máy bay trực thăng không người lái giúp Mỹ đạt được mục tiêu này.

Tên lửa tấn công hải quân (*) là tên lửa hành trình vượt biển rất khó phát hiện trên radar và có thể cơ động tránh hệ thống phòng thủ của đối phương - theo Raytheon, nhà thầu chính của Mỹ về vũ khí. Nó được trang bị trên tàu Gabrielle Giffords kèm với một máy bay trực thăng MQ-8B Fire Scout, được sử dụng để trinh sát và tìm kiếm mục tiêu. "Các loại vũ khí dạng này của Hải quân Mỹ sẽ làm gia tăng tính sát thương", theo John Fage - phát ngôn viên của Hạm đội 3.

"Lầu Năm Góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có thể hoạt động trên cơ sở bền vững hơn và có cơ hội chiến đấu và sống sót tốt hơn trong khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc (PLA)" - Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corp nhận định về sự kết hợp của tàu, máy bay và tên lửa được Quân đội Trung Quốc dùng để kiểm soát các khu vực biển của Thái Bình Dương.

Tàu USS Gabrielle Giffords - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu USS Gabrielle Giffords - Ảnh: Hải quân Mỹ

Cả Mỹ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về việc quân sự hóa nhanh chóng trên Biển Đông, một trong những khu vực biển đang gây tranh cãi nhiều nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia đưa ra yêu sách một phần trên tuyến đường biển có tuyến thương mại trọng yếu này, nhưng yêu sách của Bắc Kinh cho đến nay là lớn nhất, bao trùm phần lớn khu vực biển này.

Từ năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông thông qua việc quân sự hóa ở các bãi đá ngầm ở đây, đồng thời cáo buộc các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ trong khu vực cho Trung Quốc thấy họ cần nâng cao năng lực quân sự để bảo vệ lợi ích của mình .

"Trước các tàu vũ trang và máy bay quân sự hạng nặng hiện diện ở đây, làm sao chúng tôi có thể ngó lơ mà không xây dựng các cơ sở quốc phòng?" - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangi-la hồi tháng 6.

Về tên lửa tấn công hải quân, các quan chức hải quân Mỹ cho biết số tàu chiến đấu ven biển (LCS) được trang bị loại vũ khí này sẽ sớm đạt con số 30. Các tàu này có 2 biến thể, được thiết kế để hoạt động ở những khu vực duyên hải hoặc vùng nước nông quanh các bờ biển và hải đảo.

Một tên lửa tấn công hải quân Mỹ được phóng đi từ tàu USS Coronado trong cuộc thử nghiệm năm 2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Thay đổi cuộc chơi

Loại tên lửa này trải qua thời gian tương đối ngắn từ giai đoạn thử nghiệm để chuyển qua giai đoạn triển khai trên thực địa bởi quân đội Mỹ. Được phát triển bởi tập đoàn Kongsberg Defense and Aerospace của Na Uy, loại tên lửa này đã được thử nghiệm thành công trên tàu chiến USS Coronado vào năm 2014. Raytheon sau đó trở thành nhà thầu quốc phòng của Mỹ đảm nhiệm việc sản xuất loại tên lửa này vào năm 2018. Nó có phạm vi hoạt động hơn 100 dặm, tức xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon được Hải quân Mỹ sử dụng để chống hạm hiện nay.

Khả năng kết nối với trực thăng không người lái cho phép con tàu nhắm mục tiêu nằm ngoài vùng phủ sóng của hệ thống radar trang bị trên tàu.

CNN dẫn lời chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu nhân viên của Hải quân Mỹ cho biết việc con tàu đi kèm với chiếc máy bay không người lái Fire Scout mang đến cho tàu chiến này "đôi mắt nhìn về phía chân trời". "Khả năng nhắm mục tiêu cũng quan trọng như hệ thống tên lửa. Bạn chỉ có thể tiêu diệt được những gì bạn có thể tìm thấy” – ông nhận định.

Mặc dù Hải quân Mỹ chưa tiết lộ nơi tàu Gabrielle Giffords đi đến, nhưng dư luận thời gian qua đồn đoán đó có thể là Singapore.

Gửi đi thông điệp cứng rắn trên Biển Đông

Theo nhận định của Schuster, việc triển khai các loại vũ khí mới này gửi đi một thông điệp quan trọng và cuối cùng có thể khiến Mỹ "thay đổi cuộc chơi" ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc hiện đang có lợi thế đối đầu với tỷ lệ 3/1 về số lượng tên lửa hành trình được triển khai ở đây so với Mỹ. "Đây là bước đi đầu tiên để khắc phục hiện trạng mất cân bằng hiện tại" – ông nhận định.

Một chuyên gia khác trong khi đó nhận định việc triển khai loại tên lửa mới sẽ tạo ra hiệu ứng củng cố uy tín và sức mạnh răn đe của Mỹ trong khu vực.

Mỹ hiện nay đang quảng bá mình với tư cách là đối tác đáng tin cậy hơn Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông nơi Washington tiến hành các hoạt động tuần tra thường xuyên như một phần trong cam kết của mình đối với việc duy trì một môi trường ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương luôn tự do và cởi mở. Trong khi đó Trung Quốc, nước tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ, cáo buộc sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.

Vì vậy, việc bổ sung bất kỳ sức mạnh hỏa lực mới nào của Mỹ ở đây gần như chắc chắn sẽ gửi đi nhiều thông điệp mạnh mẽ.

(*) Tên lửa tấn công hải quân là tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất được phát triển bởi công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy. Tên gốc Na Uy là Nytt sjømålsmissil; tên tiếp thị tiếng Anh là Naval Strike Missile (Wikipedia)

Theo CNN, Anh Duy lược dịch

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/trung-quoc-hung-hang-tren-bien-dong-my-dieu-ten-lua-manh-doi-pho_80405.html