Trung Quốc hoành hành trên biển, Mỹ - Nhật quyết không dừng tập trận

Trước việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ - Nhật quyết định tiến hành tập trận chung bất chấp dịch bệnh.

Dịch Covid-19 không thể ngăn Mỹ - Nhật tiến hành đợt tập trận chung, khi mà hai đồng minh quân sự chứng kiến Trung Quốc liên tiếp triển khai hoạt động trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo Nikkei Asian Review, 2 oanh tạc cơ B-1 của không quân Mỹ cùng 16 tiêm kích F-15 và F-2 của Lực lượng Phòng Không Nhật Bản đã tiến hành đợt tập trận trên biển Nhật Bản và quanh Okinawa hôm 27/5.

Hai oanh tạc cơ B-1 của Mỹ và hai chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản tập trận trên biển Hoa Đông năm 2017. (Ảnh minh họa)

Hai oanh tạc cơ B-1 của Mỹ và hai chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản tập trận trên biển Hoa Đông năm 2017. (Ảnh minh họa)

“Đây là cuộc tập trận rất quan trọng, do chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa năng lực răn đe và hợp tác trong các nhiệm vụ chung của Mỹ - Nhật”, Tướng Yoshinari Marumo, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng không Nhật Bản cho hay.

Đây là cuộc tập trận chung lần thứ ba của Mỹ - Nhật kể từ tháng Tư.

“Sứ mệnh này thể hiện chúng tôi có năng lực hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh”, Tướng Tim Ray, người đứng đầu Bộ Tư lệnh các lực lượng tấn công chiến lược toàn cầu của Mỹ nói trong cuộc diễn tập diễn hồi cuối tháng Tư, thời điểm một oanh tạc cơ B-1 của Mỹ tham gia huấn luyện cùng với các chiến đấu cơ của Nhật Bản.

Hiện tại, Mỹ - Nhật cũng đang xúc tiến tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC bất chấp mối quan ngại dịch bệnh có thể khiến sự kiện phải hủy bỏ. Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức RIMPAC vào tháng Tám tới có quy mô nhỏ hơn và thời gian tiến hành cũng ngắn hơn so với những năm trước.

“Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, Đô đốc Hiroshi Yamamura, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho hay.

Cách đây vài tuần, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã rời khỏi Biển Đông sau khi phát hiện nhiều thủy thủ trên tàu mắc Covid-19. Việc các thủy thủ Mỹ mắc Covid-19 cũng được phát hiện trên nhiều tàu chiến khác của Mỹ. Đáng nói, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, Trung Quốc đã cho tăng cường hoạt động của lực lượng hải quân khiến Mỹ và Nhật không khỏi lo lắng cho tình hình an ninh ở Đông Á.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, nhưng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh và đối phó trước việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự cùng lập trường ngày càng hung hăng.

Còn trên biển Hoa Đông, các tàu của Trung Quốc thường xuyên hoạt động quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo số liệu của lực lượng hải cảnh Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 1 – 3, các tàu Trung Quốc đã 289 lần xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng Tư, 6 tàu Trung Quốc bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh đã lần đầu tiên di chuyển ở khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako và sau đó trở về theo hành trình ngược lại.

Trong tháng 4 – 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã tiến hành điện đàm và họp trực tuyến với 12 đối tác nước ngoài bao gồm nhóm G7 và các nước có đường biên giới giáp với những tuyến đường biển của Nhật Bản.

“Nhật Bản phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”, ông Kono phát biểu nhưng không chỉ dích danh Trung Quốc.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/trung-quoc-long-hanh-tren-bien-my-nhat-quyet-tap-tran-254046.html