Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Cuộc thử nghiệm kéo dài cả thập kỷ, với sự tham gia của hàng triệu nông dân Trung Quốc cho thấy mô hình phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông dân Trung Quốc đang hướng tới mô hình nông nghiệp bền vững (Ảnh: Xinhua)

Năm 1958, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông tiến hành một cuộc cách mạng nông nghiệp, đưa nông dân vào các hợp tác xã quy mô nhỏ trên cả nước, buộc họ chia sẻ công cụ sản xuất để tăng năng suất nông sản. Song thực tế cho thấy đây là một thảm họa, khiến khoảng 10 triệu người chết đói, theo giới nghiên cứu phương Tây.

Hiện tại, khoa học đã thành công nhờ những tiến bộ vượt bậc, theo tạp chí Nature Research. Hồi tháng 3, tạp chí này dẫn nguồn các nhà khoa học nông nghiệp Trung Quốc, cho thấy kết quả nghiên cứu về mô hình trang trại mới tại nước này, sau một thập kỷ nghiên cứu, thu thập dữ liệu, với sự tham gia của hàng triệu nông dân.

Một thập kỷ qua, Trung Quốc thiết lập Chương trình Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao quốc gia (Chương trình 863) thu được một loạt cơ sở kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ cao.

Trung Quốc đi đến kết luận rằng không cần chia sẻ công cụ sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là thu thập tổng hợp dữ liệu khoa học, trên từng địa phương để tính toán ra nhu cầu và năng lực sản xuất.

Dự án này kéo dài từ năm 2005 đến 2015, đánh giá các yếu tố như thủy lợi, mật độ cây trồng và độ sâu cần thiết khi gieo hạt giống xuống đất. Các nhà khoa học dựa trên những thông tin này để đưa ra hướng dẫn cho nông dân. Ví dụ, họ khuyến cáo nông dân nên gieo khoảng 20 hạt thóc trên một mét vuông ruộng ở miền nam Trung Quốc, để đạt hiệu suất cao hơn. Trước đó, nông dân miền nam Trung Quốc có thói quen gieo ít hạt hơn mật độ này.

Các kết quả nghiên cứu của Trung Quốc mang lại hy vọng về một tương lai ổn định hơn trên trái đất, vốn đang ngày càng đông đúc. Theo thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 2,5 tỷ hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đang sản xuất trên 60% diện tích canh tác của thế giới.

Trung Quốc đã tạo mạng lưới nghiên cứu với 1.200 nhà khoa học, 65.000 cán bộ địa phương, 140.000 đại diện ngành công nghiệp và 21 triệu nông dân trên 37,7 triệu ha ruộng đất. Kết quả thu được chứng minh rằng phương pháp sản xuất dựa trên khoa học giúp tăng năng suất và giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, dự án cũng cung cấp những dữ liệu khoa học quý giá để nông dân có thể đưa ra mô hình, phương thức canh tác phù hợp với ruộng đất trên từng địa phương.

Giới khoa học Trung Quốc cho rằng để duy trì mạng lưới nông nghiệp ổn định, cần có các biện pháp kỹ thuật và sự tham gia của các quan chức chính quyền địa phương - điều kiện bắt buộc. Giá trị kinh tế và môi trường đem lại, thậm chí còn cao hơn giá bán nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, điều này được cho là khó áp dụng ở những nước khác. Lý do vì Trung Quốc có cơ sở hạ tầng khu vực phát triển tốt và kiểm soát từ cấp trung ương tương đối hiệu quả, hai điều kiện giúp duy trì tốt mạng lưới nông nghiệp.

Trong khi đó, Ấn Độ và nhiều nước ở châu Phi, có diện tích canh tác tương tự, bị cho là khó áp dụng mô hình này, do không có hai điều kiện bắt buộc.

Mô hình là không cố định, theo các nhà khoa học Trung Quốc. Trong khi đó, các chỉ số khuyến cáo về thủy lợi, mật độ gieo hạt... cũng thay đổi tùy từng năm, do các biến động thời tiết.

Trung Quốc hiện còn khoảng 200 triệu hộ nông dân chưa tham gia dự án, song các nhà quản lý nông nghiệp nước này kỳ vọng mọi thứ sẽ sớm thay đổi. Hiện ở 21 tỉnh của Trung Quốc, có các nhà khoa học về sống cùng nông dân, “biểu diễn” các phương pháp canh tác ứng dụng công nghệ tiên tiến để thuyết phục mọi người.

Trung Quốc cho rằng chương trình này sẽ sớm thay đổi các thói quen xấu của nông dân về sản xuất có hại cho môi trường, không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung Quốc đưa các nhà khoa học xuống sống cùng nông dân (Ảnh: Sina)

Nông dân Trung Quốc sản xuất với các loại hoa màu chủ yếu là lúa, khoai tây, kê, ngũ cốc, chè, thuốc lá. Theo thống kê của tờ Bloomberg, hiện 1/5 sản lượng ngô và 1/4 sản lượng khoai trên toàn thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc sản xuất gần 30 triệu tấn trứng, chiếm 1/2 sản lượng trứng thế giới. Chỉ 10% diện tích đất của Trung Quốc được dành cho nông nghiệp và diện tích này ngày càng co hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hình thành sa mạc.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, lợi ích của nông dân và làm giàu cho nông dân như xóa bỏ thuế nông nghiệp và “4 trợ cấp”. Bằng cách này, một hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ nông nghiệp về cơ bản được thiết lập, vì thế tổ hợp các mô hình về sản xuất nông nghiệp, các thiết bị kỹ thuật và phương thức quản lý tổ chức công nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Nông nghiệp truyền thống dần được hiện đại hóa với các quan hệ rộng mở và kết hợp giữa công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như đô thị hóa.

CHÂU THẢO

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-quoc-hien-thuc-hoa-giac-mo-nong-nghiep-cong-nghe-cao-post217015.html