Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng công nghệ nhạy cảm

Trung Quốc thắt chặt luật kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghệ nhạy cảm để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.

Ngày 1-12, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng đạo luật mới nhằm hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghệ nhạy cảm để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.

Đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 1-12 và áp dụng cho mọi công ty ở Trung Quốc, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Năm 2017, đạo luật được soạn thảo lần đầu và được thông qua vào cuối tháng 10 năm nay. Đạo luật bao gồm danh sách các sản phẩm bị kiểm soát như mặt hàng công nghệ nhạy cảm, hàng quân sự và sản phẩm lưỡng dụng dân sự và quân sự.

Đồng thời, luật cũng yêu cầu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép cho các giao dịch xuất khẩu những mặt hàng dù không nằm trong danh sách kiểm soát nhưng vẫn có khả năng gây nguy hiểm cho Trung Quốc.

Các cá nhân và tổ chức vi phạm luật sẽ bị phạt tiền tới 20 lần giá trị giao dịch và bị thu hồi giấy phép xuất khẩu. Quy định này cũng được áp dụng đối với các các nhân và tổ chức nước ngoài.

Luật Kiểm soát Xuất khẩu được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc thông qua việc quản lý các hoạt động xuất khẩu vật liệu và công nghệ nhạy cảm được liệt kê trong danh sách kiểm soát.

Đạo luật mới giúp Trung Quốc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Ảnh: REUTERS

Đạo luật mới giúp Trung Quốc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Ảnh: REUTERS

Giới quan sát nhận định đây là “đòn trả đũa” Mỹ khi Washington liên tục đưa ra các biện pháp hạn chế nhiều công ty công nghệ của Bắc Kinh.

Luật mới cho phép Trung Quốc “trả đũa” một quốc gia bị xem là có hành vi vi phạm sự kiểm soát xuất khẩu và gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Đồng thời, nó cũng cho phép Bắc Kinh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tạm thời đối với các hàng hóa, dịch vụ và công nghệ không nằm trong danh sách chính thức trong thời gian tối đa là hai năm.

Dự thảo của Luật Kiểm soát Xuất khẩu được công bố vào năm 2017 có bao gồm nội dung tương tự “quyền tài phán dài hạn” như của Mỹ, nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ vì lo ngại về tác động tiêu cực của nó đối với vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

NGỌC KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-han-che-xuat-khau-mat-hang-cong-nghe-nhay-cam-953052.html