Trung Quốc 'hạ giọng' trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Bắc Kinh cho thấy những dấu hiệu muốn đấu dịu với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa đôi bên chưa giảm nhiệt.

Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu ở Bắc Kinh hồi tuần trước

Trung Quốc cho rằng một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nếu xảy ra, sẽ gây hại tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cam kết mở cửa thị trường

Ngày 7/5, Reuters dẫn lời tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết, thâm hụt cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề “mang tính chất dài hạn”. Ông Yi Giang, được bổ nhiệm làm Thống đốc PBOC hồi tháng 3, vì vậy muốn sự hợp tác từ Washington để giải quyết tình trạng trên “dần dần”, thay vì gáp gáp như đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump.

Theo Reuters, động thái trên của ông Yi đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đang “ăn miếng, trả miếng” nhau vì các tranh chấp thương mại. Thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2017 lên tới 375 tỉ USD và trong mắt Tổng thống Donald Trump, đây là chuyện không thể chấp nhận. Ông Trump đã yêu cầu Trung Quốc phải hạ con số thâm hụt xuống ít nhất 200 tỉ USD vào năm 2020, và để ngỏ khả năng áp mức thuế trị giá 150 tỉ USD lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.

Hồi tuần trước, Mỹ đã cử phái đoàn do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu tới Bắc Kinh và tại đây, đoàn Mỹ đã được Trung Quốc cử Phó Thủ tướng Liu He tiếp. Kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Bắc Kinh, đôi bên đều không đưa ra được thông tin cụ thể nào về kết quả mà chỉ khẳng định, sẽ tiếp tục giải quyết bất đồng thông qua đàm phán. Theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP), đây là dấu hiệu cho thấy các bên chưa thể dàn xếp được những bất đồng.

Trong bài phỏng vấn trên tờ Caixin của Trung Quốc, ông Yi Gang nói thêm, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các cam kết về thương mại hiện thời, tập trung ổn định thị trường tài chính, không can thiệp vào thị trường ngoại hối quốc tế. Theo ông Yi, PBOC đã không can thiệp vào thị trường ngoại hồi gần 1 năm vừa qua. Trung Quốc cũng sẽ mở cửa thị trường tài chính để huy động vốn từ nước ngoài. Thống đốc Yi Gang nhấn mạnh căng thẳng thương mại với Mỹ không ảnh hưởng tới các quyết sách thương mại của Trung Quốc.

Muốn đấu hòa, không đối đầu

Theo Bloomberg, nếu nhìn vào những yêu cầu từ đôi bên với nhau, sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc là quá lớn. Không chỉ yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thâm hụt tới 200 tỉ USD vào năm 2020, Mỹ đồng thời đòi hỏi Bắc Kinh không được có hành động trả đũa Mỹ. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc dừng trợ cấp và các gói hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp nước này theo kế hoạch “Made in China 2025”, với đối tượng là công nghệ rô-bốt và thiết bị sử dụng năng lượng mới.

Bắc Kinh ở chiều ngược lại, muốn Mỹ dừng các cuộc điều tra đối với cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ nhạy cảm của Mỹ, điều chỉnh lại lệnh cấm đối với công ty mobile ZTE, cũng như gỡ bỏ lệnh cấm đối xuất khẩu vi mạch Trung Quốc. Cựu chủ tịch Morgan Stanley châu Á, Stephen Roach cho rằng các yêu cầu Mỹ đặt ra với Trung Quốc “chỉ có cây gậy, không có cà-rốt”.

Trong bối cảnh trên, SCMP cho biết truyền thông Trung Quốc bất ngờ hạ “tông”, trái với những phản ứng mạnh mẽ trước đây. Báo Trung Quốc cho rằng đôi bên cần tiếp tục có thêm các cuộc đàm phán mới, đồng thời kêu gọi Mỹ không nên đưa ra những đòi hỏi vô lý. Bản tin Thông tin kinh tế hàng ngày của Trung Quốc cho biết, Bộ Tài chính nước này đang nghiên cứu các biện pháp hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thực phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Trưởng kinh tế Trung Quốc tại UBS Group Wang Tao cho biết, Bắc Kinh hy vọng trong thời gian tới, các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ thành công, hướng tới giảm mức thuế suất hiện thời giữa đôi bên. Tờ Nhân dân Nhật báo cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường, nhưng phụ thuộc theo điều kiện của nước này chứ không vì ý chí bất kỳ quốc gia nào.

AN QUỐC (Theo Reuters,SCMP)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-quoc-ha-giong-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-post218014.html