Trung Quốc gửi thông điệp lạnh cho EU vì tẩy chay Huawei

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ và châu Âu đồng loạt tẩy chay Huawei, yêu cầu sửa chữa sai lầm.

Tối 24/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi "thông điệp Giáng Sinh" không hề an lành cho các quốc gia phương Tây liên quan đến vụ bắt bớ CFO Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu và làn sóng tẩy chay hãng công nghệ Trung Quốc ở các nước phương Tây.

Bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trước tiên, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hướng chỉ trích Canada. Bắc Kinh cáo buộc Canada đã giam giữ bất hợp pháp bà Mạnh Vãn Châu, người đã bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12 theo yêu cầu từ Mỹ.

"Hành động này, đi quá xa các cơ sở pháp lý, tính hợp pháp và cả sự hợp lý, là những gì thực sự đáng gọi là sự giam giữ tùy tiện... Người Canada không thể ngừng nói về cái gọi là nghĩa vụ pháp lý theo hiệp ước dẫn độ song phương với Mỹ. Điều đó có nghĩa là họ có thể nhắm mắt làm ngơ và chà đạp lên các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế" - bà Hoa tuyên bố.

Nữ phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi: "Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi Canada sửa chữa sai lầm, ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Châu và bảo vệ một cách nghiêm túc các quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Ngoài ra, chúng tôi thúc giục mạnh mẽ Mỹ phải rút ngay lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh".

Không những thế, bà Hoa cho rằng việc làm của Canada không được dư luận đồng tình ủng hộ. Bà cho biết: "Chúng ta đều nhận thấy rằng những động thái như vậy của Canada và Mỹ đã gây ra sự chỉ trích nặng nề và sự phản đối mạnh mẽ từ chính người dân ở Canada, Mỹ và các quốc gia yêu công lý khác".

Không những chỉ trích Canada bà Hoa cũng chỉ trích các nước phương Tây đồng loạt tẩy chay sản phẩm công nghệ Trung Quốc. Các nước châu Âu cũng luôn lên án quyền con người bị vi phạm trên thế giới nhưng lại "lờ đi" vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu.

"Đối với các tuyên bố từ Anh và EU nhằm ủng hộ hành động của Canada như đã đề cập, tôi tự hỏi liệu vụ việc này có liên quan gì đến họ không? Khi Canada bắt giữ trái phép một giám đốc của công ty Trung Quốc theo lệnh của Mỹ, thì họ ở đâu?

Cái gọi là tiêu chuẩn về quyền con người mà họ theo đuổi lại biến hóa theo quốc tịch" - bà Hoa lập luận.

Vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu được phía Mỹ tuyên bố là nhằm phục vụ cuộc điều tra của Washington đối với Tập đoàn Huawei. Mỹ nghi ngờ Huawei gây nguy hại đến an ninh của Mỹ.

Washington cũng kêu gọi các nước châu Âu có phản ứng mạnh mẽ hơn với các sản phẩm công nghệ của Huawei, được cho là chứa lỗi bảo mật cực lớn.

Washington cho rằng, thiết bị của Huawei có thể có "cửa sau", cho phép chính quyền Trung Quốc do thám nước khác. Tập đoàn Trung Quốc đã liên tục phủ nhận thông tin này.

Các quốc gia thành viên nhóm tình báo "Five Eyes" như Australia, New Zealand và Nhật Bản đã gần như lập tức hành động đồng thời với tuyên bố từ Mỹ, hạn chế sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Chia rẽ quan điểm vì Huawei

Tại châu Âu, ban đầu xuất hiện sự phân chia về quan điểm tẩy chay sản phẩm của Trung Quốc trước cảnh báo rủi ro an ninh từ Mỹ.

Nhưng sau đó, nhiều công ty tư nhân hoặc có sự tham gia của chính phủ đã phải xem xét đến phương án hạn chế sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.

Phản ứng mạnh mẽ nhất là Anh. Hãng tin Bloomberg cho biết, Tập đoàn BT, nhà phát triển mạng lưới thông tin liên lạc cho cảnh sát và các lực lượng phản ứng nhanh của Anh đã loại bỏ danh sách các đơn hàng mua sắm thiết bị do Huawei sản xuất cho dự án trị giá 2,3 tỉ bảng Anh (3 tỉ USD).

Dự án này phục vụ quá trình thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc cho cảnh sát và các lực lượng phản ứng nhanh của nước này.

Theo chia sẻ của một người phát ngôn của chính phủ Anh với báo Sunday Telegraph, việc thay thế hoàn toàn các sản phẩm của Huawei trong phần cót lõi của mạng lưới hạ tầng thông tin liên lạc sẽ phải mất tới 4 năm, tuy nhiên điều này sẽ giúp họ giải quyết nỗi lo về nguy cơ an ninh mạng.

BT đã tiến hành rút thiết bị Huawei khỏi hạ tầng cốt lõi của mình từ năm 2016, sau khi BT mua lại nhà mạng di động EE - công ty trước đó đã sử dụng thiết bị Huawei toàn bộ hệ thống mạng.

Việc rút thiết bị Huawei cũng sẽ được triển khai đối với Mạng lưới Dịch vu khẩn cấp EE đang trong quá trình xây dựng trên toàn nước Anh. Tuy nhiên, một số thiết bị Huawei vẫn sẽ được sử dụng trong mạng lưới truy cập rộng hơn.

Dù chính quyền một số nước châu Âu không phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc theo phản ứng của Mỹ, một số nhà mạng đã buộc phải có phản ứng lo ngại.

Tại Pháp, nhà mạng Orange cho hay họ sẽ không dùng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G. Tuyên bố đưa ra dường như nhằm ủng hộ quyết định của Tập đoàn BT Group của Anh quay lưng với các thiết bị Huawei.

Pháp có biện pháp bảo vệ nhiều thành phần quan trọng của mạng lưới viễn thông. Paris hiện xem xét bổ sung nhiều mặt hàng vào danh sách “cảnh báo cao độ” có ý nhắm đến Huawei.

Ở Đức, Deutsche Telekom tuyên bố khả năng bỏ dùng thiết bị của hãng Trung Quốc.

Hôm 14/12, chính phủ Na Uy tuyên bố đang cân nhắc lo ngại xoay quanh việc sử dụng các nhà cung ứng từ nhiều nước vốn dĩ không có sự hợp tác nào về mặt chính sách an ninh với Na Uy. Đơn cử là Trung Quốc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-gui-thong-diep-lanh-cho-eu-vi-tay-chay-huawei-3371696/