Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch sau hơn 3 thập kỷ

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua ở Trung Quốc đã gỡ bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, chấm dứt khoảng thời gian hơn 3 thập kỷ giới hạn nhiệm kỳ được áp dụng ở nước này, cho phép ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau khi hết nhiệm kỳ 2 vào năm 2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm 11/3 vừa qua. (Nguồn: Getty).

Bước đi lịch sử

Tại một phiên họp toàn thể Quốc hội lần thứ 13 tổ chức trong hôm Chủ nhật tuần trước, 2.958 đại biểu Quốc hội Trung Quốc - tương đương 99,8% - đã bỏ phiếu thông qua các sửa đổi Hiến pháp, chỉ có 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Ngoài việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua này còn bao gồm việc đưa tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc.

Quy định hạn chế 2 nhiệm kỳ của Chủ tịch nước được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc từ năm 1982, sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa đầy hỗn loạn. Lúc bấy giờ, các nhà lập pháp Trung Quốc nhận ra nguy cơ từ việc tập trung quyền lực vào một nhà lãnh đạo tối cao nên quyết định thông qua điều chỉnh này trong Hiến pháp.

Bởi vậy, giới chuyên gia nhận định rằng kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua mang tính chất "lịch sử" tại Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi lớn trong quan điểm của giới lãnh đạo nước này đối với chức danh Chủ tịch, vốn có vai trò được cho là ngày càng quan trọng hơn trên chính trường nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu, ông Shen Chunyao, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nhấn mạnh rằng đây là một bước đi quan trọng được hoàn thành ngay trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần thứ 13.

Củng cố vị trí lãnh đạo đảng là một trong những điểm sáng của các nội dung sửa đổi, ông Liu Zhenyu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, nói với tờ Global Times, thêm rằng nội dung sửa đổi được thông qua "hợp pháp và thể hiện được nguyện vọng của người dân".

Theo tờ Global Times, nhiều đại biểu nói rằng việc gỡ bỏ hạn chế về nhiệm kỳ sẽ cho phép ông Tập Cận Bình tiếp tục chèo lái đất nước theo con đường phát triển, củng cố sức mạnh quân đội, chống tham nhũng, tiếp tục chiến dịch xóa đói giảm nghèo và sửa đổi nền kinh tế quốc gia vốn đang dựa dẫm nặng nề vào ngành công nghiệp nặng.

Sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở vững chắc

Đề cập tới các ý kiến từ báo giới quốc tế cho rằng việc áp dụng nhiệm kỳ quá dài cho nhà lãnh đạo quốc gia có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định, ông Shen khẳng định rằng nội dung sửa đổi trên sẽ không dẫn tới bất ổn chính trị ở Trung Quốc nhờ có cơ sở pháp lý, chính trị và xã hội "rộng lớn và vững chắc".

Sự thay đổi trên là một động thái giúp củng cố ba vị trí gồm Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, người đứng đầu Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông Shen, hiện nay cả 3 vị trí này đều đã chứng tỏ được sức hoạt động tốt và hiệu quả ở Trung Quốc, và nội dung sửa đổi Hiến pháp vừa qua là cần thiết đối với một nước lớn như Trung Quốc.

"Hoạt động lâu dài của đảng, nhà nước và người đứng đầu quân đội ở Trung Quốc đóng vai trò cốt lõi đối với sự ổn định của đất nước" - ông Zhang Hongzhi, một thành viên của Ủy ban Quốc gia Nhân dân Trung Quốc, nhận định.

Vị quan chức trên cho hay, nếu hạn chế về nhiệm kỳ với chức vụ Chủ tịch không được gỡ bỏ, Trung Quốc sẽ có thể có một lãnh đạo đảng và một lãnh đạo nhà nước khác nhau trong cùng một thời điểm, điều không tốt cho sự ổn định của giới lãnh đạo trong nước và gây ra nhiều thách thức hơn trong các hoạt động ngoại giao của đất nước.

Trước khi đợt sửa đổi này được thông qua, vị trí đứng đầu của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vốn đã không có hạn chế nhiệm kỳ, nhưng chức vụ Chủ tịch vẫn bị hạn chế ở mức 2 nhiệm kỳ.

Việc gỡ bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch là một giải pháp tốt hơn cho Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, ông Cheng Enfu, Giáo sư thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định. Theo ông, việc sửa đổi Hiến pháp nên được quyết định tùy theo hoàn cảnh mà đảng và đất nước đang phải đối diện.

Nói với tờ Global Times, ông Cheng cho hay Trung Quốc không cần phải bắt chước các mô hình của phương Tây hay đặt ra hạn chế 2 nhiệm kỳ giống như Mỹ. Nếu đất nước có một lớp lãnh đạo mạnh mẽ và sáng suốt, họ có thể phục vụ trên 2 nhiệm kỳ để giải quyết các vấn đề và giúp đất nước phát triển.

"Việc gỡ bỏ hạn chế nhiệm kỳ không có nghĩa rằng một Chủ tịch có thể ở vị trí đó cả đời hay mọi vị Chủ tịch đều có thể phục vụ hơn 2 nhiệm kỳ" - ông Cheng phân tích.

Trung Quốc hiện vẫn đang trong quá trình cải cách kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân đội dang dở, bởi vậy cần có một nhà lãnh đạo cương quyết và nhiều sáng kiến để hoàn thành các mục tiêu đó, ông Cheng cho hay.

Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc khắc phục vấn đề bất bình đẳng xã hội, hiện đại hóa quân đội. Và 5 năm vừa qua cũng là khoảng thời gian mà ông Tập Cận Bình đã đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực này.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/trung-quoc-go-bo-han-che-nhiem-ky-chu-tich-sau-hon-3-thap-ky-tintuc397325