Trung Quốc 'giật mình' khi hạm đội tàu ngầm tấn công Nhật Bản gia tăng chóng mặt?

Chỉ sau một thời gian ngắn đẩy mạnh đầu tư cho hải quân, quy mô hạm đội tàu ngầm của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã thay đổi rõ rệt.

 Vào hôm 18/3, Hải quân Nhật Bản đã chính thức làm lễ tiếp nhận tàu ngầm tấn công diesel-điện trang bị động cơ đẩy độc lập với không khi (động cơ AIP) mang tên Shoryu (Soaring Dragon trong tiếng Anh).

Vào hôm 18/3, Hải quân Nhật Bản đã chính thức làm lễ tiếp nhận tàu ngầm tấn công diesel-điện trang bị động cơ đẩy độc lập với không khi (động cơ AIP) mang tên Shoryu (Soaring Dragon trong tiếng Anh).

Tàu ngầm Shoryu mang số hiệu SS-510 là chiếc thứ 10 thuộc lớp Soryu, đây là thế hệ tàu ngầm lớn và tối tân nhất từng được ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản chế tạo.

Theo dự kiến, hai tập đoàn công nghiệp nặng của nước này là Mitsubishi và Kawasaki sẽ chế tạo tổng cộng 15 tàu ngầm lớp Soryu để trang bị cho Hải quân Nhật Bản.

Ngoài chiếc Shoryu vừa vào biên chế thì còn 3 tàu ngầm lớp Soryu khác đang trong quá trình thi công đóng mới, có một tàu đã hạ thủy và dự kiến sẽ chính thức phục vụ từ năm 2020.

Hiện tại quy mô hạm đội tàu ngầm của Hải quân Nhật Bản gồm có 21 chiếc, ngoài 10 tàu lớp Soryu thì còn 11 chiếc khác thuộc lớp Oyashio cũ hơn vẫn đang hoạt động.

Như vậy chỉ sau một thời gian ngắn tập trung đầu tư cho hải quân, số lượng tàu ngầm tấn công của Nhật Bản đã tăng từ 16 lên tới 21 chiếc, con số này sẽ còn gia tăng trong tương lai.

Đặt cạnh hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc với hơn 71 chiếc thì rõ ràng Nhật Bản chưa thể sánh bằng, tuy vậy Tokyo lại nắm giữ ưu thế trước Bắc Kinh ở công nghệ ứng dụng trên phương tiện tác chiến.

Các tàu ngầm lớp Soryu có chiều dài 84 m; chiều rộng 9,1 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.900 tấn và lên tới 4.200 tấn khi mang đầy tải, thủy thủ đoàn 65 người (9 sĩ quan chỉ huy).

Hệ thống động lực của tàu gồm 2 động cơ diesel-điện Kawasaki 12V 25/25 SB cùng 4 động cơ Stirling (động cơ AIP) Kawasaki Kockums V4-275 công suất tối đa đạt 8.000 mã lực khi hoạt động ngầm, cho thời gian lặn liên tục lên đến 21 ngày.

Tốc độ tối đa khi bơi ở trạng thái nổi của các tàu ngầm lớp Soryu là 14 hải lý/h (25 km/h), hoặc 20 hải lý/h (37 km/h) lúc lặn, tầm hoạt động lên tới 6.100 hải lý (11.300 km) nếu chạy ở tốc độ 6,5 hải lý/h (12 km/h).

Hệ thống điện tử của tàu ngầm lớp Soryu bao gồm radar trinh sát bề mặt và độ cao thấp ZPS-6F, thiết bị định vị thủy âm (sonar) Hughes/Oki ZQQ-7 gắn cố định ở mũi, 4 mảng sonar LF gắn bên sườn và cả sonar dạng kéo.

Vũ khí của tàu lớp Soryu gồm 6 ống phóng HU-606 cỡ 533 mm tương thích ngư lôi hạng nặng Type 89 có tầm bắn 50 km nếu chạy ở vận tốc 74 km/h hoặc 39 km khi tăng tốc lên 102 km/h, độ sâu tối đa 900 m.

Bên cạnh đó, tàu còn phóng được cả tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon (tầm bắn 124 km, vận tốc Mach 0,8) qua ống phóng lôi, cơ số đạn dự trữ cho cả tên lửa và ngư lôi là 30 quả.

Tàu ngầm do Nhật Bản chế tạo được đánh giá rất cao ở độ yên lặng khi hoạt động, được trang bị khí tài điện tử tinh vi cùng dàn vũ khí vô cùng uy lực.

Chắc chắn Trung Quốc có lý do để cảm thấy "giật mình" khi số lượng tàu ngầm tấn công của Hải quân Nhật Bản gia tăng với tốc độ chóng mặt trong thời gian gần đây.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-giat-minh-khi-ham-doi-tau-ngam-tan-cong-nhat-ban-gia-tang-chong-mat/804027.antd