Trung Quốc giảm mua vàng: Kiềm chế dòng chảy của USD

Lượng vàng nhập khẩu từ tháng 5/2019 của Trung Quốc được hạn chế đáng kể trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang.

Reuters vừa dẫn các nguồn tin trong ngành công nghiệp vàng thỏi cho biết, Trung Quốc đã hạn chế đáng kể việc nhập khẩu vàng từ tháng 5 vừa qua.

Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này đã nhập khẩu 575 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, giảm so với 883 tấn vàng trong cùng kỳ năm 2018.

Riêng tháng 5/2019, Trung Quốc nhập khẩu 71 tấn vàng, giảm so với 157 tấn vào tháng 5 năm ngoái.

Vào tháng 6/2019, tháng cuối cùng có dữ liệu, mức giảm thậm chí còn mạnh hơn, với 57 tấn vàng được nhập khẩu, trong khi tháng 6 năm ngoái Trung Quốc nhập 199 tấn.

Động thái giảm nhập khẩu vàng của Trung Quốc trong thời gian qua, theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), là không có gì bất thường.

Ở giai đoạn này, việc nhập khẩu vàng đối với Trung Quốc không phải là hoạt động ưu tiên hàng đầu nữa. Bắc Kinh đang cần rất nhiều tiền để chi cho các hoạt động thường xuyên và họ cần hạn chế dòng chảy của USD ra khỏi đất nước.

Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, cùng với Nga, Trung Quốc là quốc gia tích cực dự trữ vàng trong nhiều năm qua, mục đích là để đảm bảo an toàn tài chính, đồng thời giảm phụ thuộc vào đồng USD. Dĩ nhiên, lượng vàng Trung Quốc mua không nhiều như lượng vàng nhập khẩu của Nga, nhưng Trung Quốc lại là quốc gia mua vàng tương đối lâu và bền bỉ.

Cho tới nay, Nga tiếp tục mở rộng kho dự trữ vàng của mình thì Trung Quốc lại kiềm chế nhập khẩu vàng và trở thành mục tiêu thứ yếu. Theo ông Thịnh, đó là vì Trung Quốc đang phải đối mặt và xử lý nhiều vấn đề khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.

Dù xảy ra thương chiến nhưng Trung Quốc vẫn cần phải đẩy mạnh hoạt động giao thương với Mỹ để vẫn duy trì thị trường rất lớn và quan trọng này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mở rộng tìm kiếm, thúc đẩy hoạt động giao thương sang các quốc gia châu Phi, châu Âu, Mỹ Latinh. Đây được coi là phương thức để Trung Quốc giảm thiểu tác động của thương chiến với Mỹ.

Thêm nữa, Trung Quốc cũng đang tích cực đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt các quốc gia có thể được hưởng ưu đãi từ Mỹ, EU...

Trung Quốc kiềm chế nhập khẩu vàng kể từ tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Trung Quốc kiềm chế nhập khẩu vàng kể từ tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Vị chuyên gia khẳng định, chiến tranh thương mại làm cho Trung Quốc bị xáo trộn lớn và dù Trung Quốc đã xác định có lúc họ buộc phải đối đầu với Mỹ - quốc gia không muốn họ vươn lên giành vị thế dẫn đầu các nền kinh tế trên thế giới thì họ vẫn không nghĩ thương chiến đến sớm như thế.

Vì thế, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do thương chiến. Các vấn đề về khoa học công nghệ, các chuỗi sản xuất và cung cấp hàng hóa bị xáo trộn...

Làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng tự cung, chuyển hướng các hoạt động thương mại sang các quốc gia khác, chuyển hướng vào tiêu dùng trong nước... là những vấn đề nóng đối với Trung Quốc và họ cần tiền để làm những việc này.

Trung Quốc phải hạn chế dòng chảy của USD ra khỏi nước này trong điều kiện nguồn thu USD đang gặp khó khăn. Thương chiến leo thang, Trung Quốc cần USD để giữ vững đầu tư sản xuất trong nước, mở rộng thị trường ra các châu lục.

Họ hạn chế đưa USD ra khỏi đất nước, dùng USD để đáp ứng các mục tiêu trước mắt, giải quyết các vấn đề để đảm bảo cho nền sản xuất trong nước phát triển bình thường, đáp ứng nhu cầu chuyển hóa nền kinh tế từ bề rộng sang bề sâu khi thương chiến xảy ra.

Chiến tranh thương khiến Trung Quốc có thể mất mấy chục triệu việc làm, do đó đầu tư trong nước và nước ngoài để đảm bảo sản xuất kinh doanh trở lại bình thường là cách để Trung Quốc thu hút lực lượng lao động. Bởi một khi lao động dôi dư, không có việc làm sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.

"Đó là những mục tiêu trước mắt và quan trọng hàng đầu của Trung Quốc lúc này khi họ xác định có thể chiến tranh thương mại lâu dài với Mỹ. Họ đang cần các hoạt động thường xuyên nhiều hơn là hoạt động phòng ngừa. Tăng dự trữ vàng, thay đổi cơ cấu ngoại hối không còn là mục tiêu quan trọng nhất, mà là giữ gìn an toàn cho sản xuất, xã hội và thay đổi cơ cấu về hàng hóa, thị trường, từ đó đảm bảo an toàn cho sản xuất", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Chiến tranh thương mại đã kéo tốc độ phát triển của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, gây áp lực cho nhân dân tệ và đẩy đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trung Quốc có thừa dự trữ để giữ vững giá trị nhân dân tệ. Cho tới nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn rất cao, khoảng 3.100 tỷ USD, Trung Quốc hoàn toàn có thể trích kho dự trữ ngoại hối ra - phát hành trái phiếu, bán USD để can thiệp thị trường.

Thế nhưng làm như vậy Trung Quốc sẽ bị các tổ chức quốc tế cáo buộc can thiệp vào thị trường. Hơn nữa, làm vậy Trung Quốc phải bỏ ra lượng tiền rất lớn và về nguyên lý, nhân dân tệ giảm giá một chút sẽ làm giảm tác động của đòn thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa của hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới.

"Vì thế, dẫu có can thiệp thị trường thì Trung Quốc cũng chỉ làm "tý chút" và họ sẽ vẫn cứ để nhân dân tệ mất giá. Đó là cách của Trung Quốc để đạt được tất cả các mục tiêu: các tổ chức quốc tế không thể cáo buộc Trung Quốc can thiệp thị trường; Trung Quốc vẫn giữ được tỷ giá nhân dân tệ để đồng tiền ấy vẫn nằm trong rổ tiền tệ dự trữ quốc tế (SDR) của IMF", vị chuyên gia nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/trung-quoc-giam-mua-vang-kiem-che-dong-chay-cua-usd-3385736/