Trung Quốc gia tăng tiếp cận các nước châu Á

Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi vòng vây do Mỹ thiết lập bằng cách tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước châu Á trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Mỹ và phương Tây ngày càng gay gắt, khiến Bắc Kinh rơi vào thế cô độc trên trường quốc tế.

Từ ngày 19-22/8, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì đã đi thăm Singapore và Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, ông Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon và hai bên đã nhất trí sớm tổ chức chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây đang xấu đi do xung đột về nhiều vấn đề như nguồn gốc của đại dịch Covid-19, Trung Quốc thi hành Luật An ninh quốc gia tại Hong Kong, Trung Quốc cũng để xảy ra xung đột quân sự với Ấn Độ tại khu vực biên giới... Theo một giáo sư Đại học Bắc Kinh, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc hiện nay “bốn phương tám hướng đều bị tắc nghẽn”.

Trung Quốc đang nhắm tới tăng cường quan hệ với các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore và cả Nhật Bản để phá vỡ thế bao vây này. Trong số đó, Hàn Quốc cũng là nước đang gặp nhiều khó khăn về đối ngoại, do đó sẵn lòng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in ưu tiên nhất là cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nhưng hiện nay các cuộc đối thoại liên Triều đã bị hủy bỏ. Quan hệ Hàn-Mỹ cũng đang bất ổn do Washington gây sức ép buộc Seoul gánh vác nhiều chi phí hơn cho lực lượng đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Do vậy, việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc, có lợi cho cả hai nước này.

Quan hệ Hàn-Trung xấu đi từ năm 2017 khi Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc một thời gian dài sau đó. Do vậy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ là dấu mốc đánh dấu sự cải thiện quan hệ hai nước.

Trước khi đến Hàn Quốc, ông Dương Khiết Trì đã đi thăm Singapore và có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Dương Khiết Trì nhận định rằng “các yếu tố gây mất ổn định tình hình thế giới đang tiếp diễn”, do đó Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Dù Singapore là nước giữ quan điểm trung lập trước căng thẳng Mỹ-Trung, song cộng đồng Hoa kiều chiếm trên 70% dân số Singapore nên đây là một lợi thế giúp Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ từ Singapore.

Ngày 20/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã mời người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tới thăm đảo Hải Nam và triển khai chính sách “ngoại giao vaccine” khi cam kết hỗ trợ và cùng nghiên cứu phát triển vaccine phòng dịch Covid-19 với quốc gia Đông Nam Á này.

Trung Quốc cũng duy trì và không để quan hệ với Nhật Bản xấu đi. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Hoa Đông, giới chức Trung Quốc đã lệnh cho các tàu cá nước này không được tới gần khu vực gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hôm 15/8, khi 4 bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản viếng đền Yasukuni, nơi thờ một số tội phạm chiến tranh hạng A và được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước đây, giới chức và báo giới Trung Quốc chỉ có những phản ứng mang tính kiềm chế, khác hẳn với thái độ chỉ trích mạnh mẽ như các năm trước đây.

Nhất Phong

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trung-quoc-gia-tang-tiep-can-cac-nuoc-chau-a-132386.html